Theo Nghị quyết 26/NQ-TW năm 2013 về phát triển Nghệ An, Trung ương định hướng phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ; trong đó, phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương về địa bàn.
Khoa học công nghệ nâng bước khởi nghiệp sáng tạo
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, một trong những dấu ấn của khoa học công nghệ Nghệ An so với các tỉnh là đã trở thành nơi phát hiện, ươm mầm nâng bước cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ trong vài năm lại đây, nhiều phong trào, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo khoa học trên địa bàn tỉnh liên tiếp được phát động, qua đó, khơi dậy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức, học sinh, sinh viên và doanh nhân trên địa bàn.
|
Kỹ sư Hồ Xuân Vinh - Công ty Hoàn Cầu được vinh danh là Vua sáng chế Nghệ An tại một dự án khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh tư liệu Internet
|
Ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Đến năm 2022, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. TP. Vinh được coi là trung tâm khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo của các tỉnh; không những thế, tại địa bàn các huyện, thị cũng bắt đầu khởi động các câu lạc bộ đổi mới, sáng tạo, tạo nên tác động lan tỏa tới toàn tỉnh.
Để tiếp sức cho các ý tưởng khởi nghiệp của doanh nhân, các nhà khoa học, lần lượt đã có nhiều quỹ đầu tư ngoài quốc doanh ra đời. Nhìn chung, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo đang chú trọng vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Nghệ An, bao gồm nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghệ, y tế và du lịch.
Từ năm 2018 lại đây, Nghệ An đã tổ chức thành công 4 cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo cấp tỉnh và là đơn vị chủ trì tổ chức Techfest 2018 khu vực Bắc Trung Bộ thu hút gần 400 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia, trong đó, trên 30 Start-Up đã và đang hoạt động tại Nghệ An. Tỉnh đã và đang hỗ trợ các Start-Up, đồng hành kêu gọi, kết nối với các nhà tài trợ, nhà đầu tư và quỹ đầu tư với tổng số vốn tài trợ và đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.
(Trích Báo cáo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ)
|
Ứng dụng chuyển đổi số trong phân phối xi măng tại Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải
|
Với nỗ lực trên, năm 2018 - 2019, Nghệ An có 5 Start-Up được Vietnam Silicon Valley (VSV) chấp thuận đầu tư góp vốn và hỗ trợ phát triển với số tiền từ 10.000 đến 40.000 USD/Start-Up. Năm 2020, Dự án Truyền hình trực tuyến của Công ty Gostream - Vô địch Techfest Quốc gia 2020 và được Quỹ Vina Capital đầu tư 1 triệu USD. Dự án “Thực hiện tiêu chuẩn LOCALG.A.P” dự vòng chung kết toàn quốc Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020. Dự án "Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu - ProSafe" - Giải Nhì Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" toàn quốc năm 2020…
Đặc biệt, năm 2021, tổ chức thành công Cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng năm 2021" ưu tiên các doanh nghiệp khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, y - dược, du lịch, giáo dục - đào tạo và công nghệ tiên phong. Đây là lần đầu tiên, cuộc thi được tổ chức với phạm vi mở rộng ra khỏi tỉnh Nghệ An, thu hút 106 dự án từ trong và ngoài nước gửi về tham dự.
|
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao giải Đặc biệt tại Cuộc thi "Sáng tạo khoa học công nghệ" năm 2021. Ảnh: Tư liệu do Sở KH&CN cung cấp.
|
Cùng với tạo vườn ươm cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như giao thông, nông, lâm, ngư, y học; ứng dụng công nghệ mới và tiết kiệm năng lượng; từng bước phát triển thị trường và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ…
Mặc dù so với mục tiêu Nghị quyết đề ra là "thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương, quốc tế đặt trụ sở tại Nghệ An" chưa thành công, nhưng Nghệ An đã ký kết, hợp tác về khoa học công nghệ với các tổ chức, viện khoa học lớn trong nước. Tiêu biểu là thỏa thuận hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, thỏa thuận hợp tác với Viện Kinh tế Trung ương, thỏa thuận hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh, hợp tác với các tập đoàn kinh tế, công nghệ lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT..
Quan tâm đầu tư để khoa học công nghệ là khâu đột phá
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Nghĩa Nhạc - Phó Giám đốc Sở Khoa học công nghệ thẳng thẳn: Bên cạnh các mặt tích cực trên, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm để khoa học công nghệ trở thành khâu đột phá. Một trong những hạn chế là tỉnh chưa thu hút, tập hợp được đội ngũ trí thức, nhà khoa học đủ tầm và năng lực để tham mưu, hoạch định quy hoạch, kế hoạch và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để Nghệ An thực sự là Trung tâm Khoa học công nghệ vùng Bắc Trung Bộ.
|
Kiểm tra tình hình phát triển của tảo xoắn tại cơ sở sản xuất tảo ở xóm 6, xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Đây là mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực vi sinh của tỉnh. Ảnh Trần Duy Ngoãn
|
Dù có cố gắng nhưng đến thời điểm này tỉnh chưa có giải pháp thu hút và thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm; chưa chủ động tìm đầu ra, cân đối cung - cầu một cách bền vững. Công tác truyền thông, nhất là truyền thông về cơ chế, chính sách mới phù hợp với kinh tế thị trường, đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ chưa thực sự được quan tâm; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng còn nhiều hạn chế...
|
Khu Liên hợp sản xuất vật liệu cao cấp Trung Đô Nghi Văn là số ít dự án được Quỹ Đổi mới khoa học công nghệ quốc gia hỗ trợ gần 19 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Hải
|
Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học công nghệ và năng lực sáng tạo của tỉnh chưa được khơi dậy và phát huy; trình độ và khả năng đầu tư của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Việc nhân rộng, phát triển các kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án khoa học công nghệ có nhiều khó khăn do kinh phí còn hạn chế. Một doanh nghiệp ứng dụng trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Các mô hình dự án nghiên cứu khoa học được hình thành và hỗ trợ từ ngân sách. Khi nguồn ngân sách hết đồng nghĩa với dự án sẽ rơi vào tình trạng tồn tại lay lắt hoặc chấm dứt.
Mặt khác, đối với lĩnh vực khởi nghiệp, đại diện Phòng Quản lý khoa học công nghệ, Sở KHCN thừa nhận, một số dự án, ý tưởng khởi nghiệp ban đầu khá tốt nhưng do chính sách hỗ trợ, đồng hành của tỉnh còn chưa đồng bộ và khá hạn hẹp nên chưa đưa vào ứng dụng rộng rãi được, quy mô sản xuất nhỏ và rất khó bứt phá. Rõ nhất là các dự án vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo vài năm lại đây, mỗi năm có hàng trăm, dự án ý tưởng khá tốt nhưng số dự án trở thành hiện thực, có thương hiệu và trụ lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.
|
Ứng dụng công nghệ tưới phun sương vừa hiệu quả và tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Hải
|
Bên cạnh đó, thực chất, việc ứng dụng khoa học công nghệ ở tỉnh ta trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến.
Sự phối hợp, quản lý giữa các ngành chưa đồng bộ làm cho hiệu quả ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ hạn chế; các địa phương vùng sâu, vùng xa chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm; chất lượng, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh thị trường khá hạn chế. Tỉnh chưa có khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao để thu hút nhân lực chất lượng, trình độ cao vào làm việc…
|
Các doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất bao bì và in nhãn hiệu cho sản phẩm. Ảnh Tư liệu Báo Nghệ An
|
Chuyển đổi số đang ngày càng sâu rộng nên cùng với giải bài toán về bộ máy nhân lực lao động, các doanh nghiệp cần ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số. Hiện Nghệ An có trên 95% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chuyển đổi số, đổi mới công nghệ cần kinh phí rất lớn. Thế nhưng, trong điều kiện ngân sách tỉnh dành cho khoa học công nghệ mới chỉ 0,2 - 0,3% chi ngân sách, tương đương với mức 45-50 tỷ đồng/năm, thấp hơn nhiều so với quy định (2%); mỗi dự án đổi mới hạ tầng khoa học công nghệ chỉ được hỗ trợ tối đa 700 triệu đồng và mỗi năm chỉ 3-5 doanh nghiệp được hỗ trợ nên đây là áp lực đối với ngành.
|
Công ty cổ phần Thiên Minh Đức ký cam kết tài trợ 2,5 tỷ đồng cho một dự án khởi nghiệp sáng tạo Nghệ An đạt giải tại cuộc thi. Ảnh Tư liệu Sở KH&CN.
|
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ: Cách mạng công nghiệp lần thứ (4.0) và chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi lớn về lực lượng sản xuất. Để thích ứng, cần nhận thức mới và quyết tâm cao của các nhà quản lý và toàn xã hội. Trong thời gian tới, để Nghệ An trở thành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo của cả nước như mục tiêu tỉnh đề ra và khoa học công nghệ thực sự là khâu đột phá, hàm lượng khoa học công nghệ chiếm tỷ lệ cao trong giá trị sản phẩm, cần tăng nguồn lực đầu tư và Nhà nước phải tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo để khích lệ người dân và doanh nghiệp tham gia tích cực hơn.
Đến thời điểm hiện tại, Nghệ An có 71 đơn vị là các tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó, có 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng; 6 đơn vị khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, Trung ương đóng trên địa bàn TP. Vinh, phạm vi hoạt động mang tính vùng; 4 đơn vị khoa học và công nghệ tỉnh có liên kết hoạt động trong vùng. Số lượng cán bộ khoa học và công nghệ Nghệ An đạt 11,87 người/vạn dân. Tính đến cuối năm 2021, tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị của tỉnh đạt 15%, đạt mức khá so với cả nước; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. (Trích báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ)