29/04/2025
Phó Thủ tướng kêu gọi các quỹ đầu tư nhanh chóng rót vốn vào ngành công nghệ Việt Nam
Tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới Sáng tạo Việt Nam (VIPCS) 2025 diễn ra ngày 22/4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã kêu gọi các quỹ đầu tư quốc tế nhanh chóng nắm bắt cơ hội và mạnh dạn rót vốn vào các ngành công nghệ chiến lược của Việt Nam. Với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu và 200 nhà đầu tư từ châu Á, Vùng Vịnh và châu Âu, sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Tài chính tổ chức đã khẳng định vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn công nghệ cao.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang vươn mình trở thành tâm điểm của đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhờ vào quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng và sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Samsung, Qualcomm, Meta và Google. Các tập đoàn này đã chọn Việt Nam để đặt trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm công nghiệp mới. Ông cho biết năm 2024, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP hơn 7%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, với vốn FDI đăng ký đạt 38 tỷ USD và giải ngân kỷ lục 25 tỷ USD. Nền kinh tế số cũng ghi dấu ấn với quy mô 36 tỷ USD, hướng tới đóng góp 30–35% GDP vào năm 2030.
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Sưu tầm
Nghị quyết 57 được Phó Thủ tướng đánh giá là “Nghị quyết hành động”, định hướng đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ cao. Hỗ trợ cho tầm nhìn này, Việt Nam đang triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn trị giá hàng trăm tỷ USD đến năm 2050, bao gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế và năng lượng tái tạo. Đồng thời, Chính phủ đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường vốn, thúc đẩy các trung tâm tài chính quốc tế và triển khai chiến lược phát triển các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, cùng với các ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ và startup.
Phó Thủ tướng khẳng định vai trò của các quỹ đầu tư không chỉ là cung cấp nguồn vốn mà còn là chất xúc tác thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, từ đó gia tăng quy mô và hiệu quả đầu tư. Ông kêu gọi các quỹ đề xuất chính sách, thể chế để tạo môi trường thuận lợi, đồng thời nhấn mạnh rằng Chính phủ sẽ tiếp tục khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ. “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, không có nhiều thời gian để do dự. Các quỹ cần sớm quyết định đầu tư để tận dụng tối đa cơ hội tại Việt Nam”, ông nói.
Lời kêu gọi của Phó Thủ tướng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đại biểu. Trong khuôn khổ diễn đàn, một bước tiến quan trọng đã được ghi dấu với việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa NIC, Tổ chức Phát triển Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) và ba hiệp hội đầu tư mạo hiểm hàng đầu châu Á: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVCA), Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore (SVCA) và Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Hong Kong (HKVCA). Với tổng tài sản quản lý lên tới 5 nghìn tỷ USD, sự liên kết này đánh dấu lần đầu tiên các tổ chức vốn tư nhân châu Á hợp tác tạo thành một khối đầu tư khu vực, lấy Việt Nam làm trung tâm.
Ông Max Scheichenost, thành viên hội đồng quản trị VPCA, nhận định: “Biên bản ghi nhớ này mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ sinh thái vốn tư nhân châu Á, dựa trên niềm tin, hợp tác và tăng trưởng bền vững, với Việt Nam là trung tâm của làn sóng đó”. Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA và Giám đốc quỹ Do Ventures, cũng cho rằng sáng kiến này sẽ mở rộng nguồn vốn và tạo cơ hội lớn cho các startup Việt Nam, đồng thời đặt nền móng để châu Á dẫn dắt dòng vốn tư nhân trong khu vực. Với những bước đi chiến lược này, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo./.
Tú Giang (TH)