-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|
07/05/2025
Thực hiện mục tiêu đô thị hóa của Nghệ An trong bối cảnh mới - Vài suy nghĩ bước đầu
1. Vai trò của đô thị và các xu hướng phát triển đô thị hiện nay: Chúng ta biết rằng đô thị có những vai trò rất quan trọng ở mỗi quốc gia như: là đầu tàu kinh tế, là động lực tăng trưởng; trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học, công nghệ; là hạt nhân phát triển văn hóa - xã hội; là nhân tố gắn kết vùng và dẫn dắt việc CNH, HĐH nông thôn… Như vậy đô thị, mà cụ thể hơn, kết quả đô thị hóa là một thước đo phát triển của quốc gia. Nhiệm vụ phát triển đô thị luôn được coi trọng, quan tâm thực hiện là vì thế. Xu hướng phát triển đô thị trong những thập kỷ tới được xác định qua việc mô tả tính chất của nó như: đô thị thông minh (ứng dụng công nghệ IoT, AI, Big data vào quản lý đô thị, giao thông thông minh, tự động hóa an ninh, công dân tham gia vào quản lý qua các nền tảng số); phát triển bền vững và sinh thái (carbon thấp, trung hòa khí thải, xanh hóa môi trường, bảo tồn thiên nhiên); năng lực chống chịu (trước các thiên tai và biến đổi khí hậu cực đoan)… Nếu cắt lát theo quy mô quan sát từ bên ngoài thì có thể phân ra 2 xu hướng cơ bản: tập trung, mở rộng đô thị trung tâm và đô thị hoá các xã nông thôn riêng lẻ. Về lý thuyết, chúng ta phải thực hiện chiến lược tích hợp 2 xu hướng này, tức là không được “chỉ là cái này mà không phải là cái kia”. Tuy nhiên trong thực tế lâu nay chúng ta vẫn có vẻ ưu tiên cho xu hướng thứ nhất, mà việc xác định mục tiêu trung tâm vùng cho nhiều lĩnh vực của thành phố Vinh là một ví dụ.  Đường Quang Trung và Phan Đình Phùng khi lên đèn 2. Quy hoạch phát triển đô thị trong bối cảnh hiện tại: Trong Quyết định 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có xác định: - Về các đột phá: Phát triển 02 khu vực động lực tăng trưởng, gồm thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng. - Về đô thị: Tập trung đầu tư 06 trung tâm đô thị: đô thị Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai (phát triển gắn với Quỳnh Lưu), đô thị Thái Hòa (phát triển gắn với Nghĩa Đàn), đô thị Diễn Châu, đô thị Đô Lương, đô thị Con Cuông. Trong thời gian vài năm vừa rồi Nghệ An đã tích cực thực hiện một số nhiệm vụ như mở rộng địa giới hành chính bằng việc sáp nhập một số xã của huyện Nghi Lộc vào Thành phố Vinh và đặc biệt là từ cuối năm 2024 nhập Thị xã Cửa Lò với thành phố Vinh, biến Vinh thành đô thị biển, có một không gian rộng lớn, đa dạng hơn, từng bước để trở thành động lực và là cực tăng trưởng quan trọng của tỉnh. Tuy vậy, sau khi Đảng, Nhà nước chủ trương bỏ chính quyền cấp huyện ở các địa phương thì thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh không còn tồn tại với tư cách là cấp trên cơ sở nữa, ở địa phương chỉ còn 2 cấp là tỉnh và cơ sở, đồng thời các đơn vị hành chính cơ sở cũng được kiện toàn theo hướng sáp nhập vào nhau để giảm đầu mối xuống còn khoảng từ 30-40% số lượng hiện có. Hay nói một cách khác, các đô thị trực thuộc tỉnh giờ đây bị chia nhỏ ra thành các phường, còn các thị trấn ở vùng nông thôn thì tính chất đô thị bị pha loãng do sáp nhập với các xã… Hệ lụy từ việc đô thị bị phân chia nhỏ ra: không gian hành chính hẹp lại, điều này càng làm gay gắt thêm xung đột giữa yêu cầu mở rộng không gian kinh tế với không gian hành chính, điều mà thời gian qua chúng ta đang cố gắng khắc phục bằng việc mở rộng địa giới hành chính của tp Vinh, của các thị xã…; Công tác quản lý chung khó khăn hơn do có nhiều đầu mối hơn (nhiều phường hơn thay vì chỉ là mỗi một tp, tx); Nhiều bản quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là đô thị có thể phải xóa đi để làm lại; Việc xây dựng các kế hoạch đầu tư cho hạ tầng đô thị cũng sẽ khó khăn, phức tạp hơn do phải cùng lúc kết nối với nhiều đơn vị cơ sở; Việc giải quyết một số vấn đề nội đô thị mà liên quan đến 2 phường trở lên sẽ mất nhiều thời gian hơn do phải chuyển lên cấp tỉnh…  Quảng trường Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao 3. Vài suy nghĩ bước đầu: Trước hết, nếu được phép thì tôi vẫn nghiêng về kiến nghị rằng Việt Nam nên thiết kế mô hình chính quyền địa phương là 2 cấp mà trong đó vẫn tồn tại thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh như đã nói ở bài viết trước đây trên Báo Nghệ An ngày 29/3/2025 - https://baonghean.vn/trao-doi-ten-goi-cac-cap-hanh-chinh-nen-the-nao-10293993.html. Bởi lẽ, với những nét phác họa trên đây về phát triển đô thị có vẻ như chúng ta đang đi ngược lại với quy luật khi các đô thị trực thuộc tỉnh bị phân chia nhỏ ra. Tuy nhiên với nhận thức rằng các mục tiêu của cuộc cách mạng về tổ chức, bộ máy lần này là lớn hơn rất nhiều so với những tác động tiêu cực phái sinh trước mắt trong vấn đề đô thị thì Nghệ An phải sớm thích nghi với hoàn cảnh mới để phát triển đô thị. Khi nói như này tôi tuyệt nhiên không có ý rằng phải hy sinh mục tiêu phát triển đô thị trong thời gian tới, mà vẫn phải cố gắng để có hướng đi thích hợp, khả quan nhất, và hơn thế nữa vẫn phải bảo đảm cho đô thị làm tốt vai trò, chức năng động lực, dẫn dắt sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Với việc đô thị bị chia nhỏ như hiện nay, chắc chắn chúng ta phải quan tâm hơn tới xu hướng phát triển đô thị phân tán, quy mô nhỏ chứ ko thể theo đuổi một số mục tiêu trong các quy hoạch hiện tại, nhất là mục tiêu về quy mô và đồng thời trong quy hoạch mới phải hết sức lưu ý tính liên kết, liên hoàn, phân vai cho các đô thị mà quy mô của nó chỉ là cấp cơ sở (cấp phường). Những vấn đề này trước đây được giải quyết trong khuôn khổ một thành phố hay một thị xã với tư cách là cấp trên của các cơ sở thì nay chúng ta phải giải quyết mang tính liên vùng. Rõ ràng là có những khó khăn mới… Bên cạnh đó, việc phát triển đô thị theo xu hướng phân tán cũng có ưu điểm khá rõ là khi triển khai bước đầu có thể không cần các nguồn lực quá lớn, có thể tận dụng triệt để, phát huy nhanh các yếu tố thế mạnh mà sự phát triển của KH&CN đem lại, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của từng địa bàn dù nhỏ, nhanh chóng hơn trong việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển vùng miền, là cơ hội để phân bổ dân cư hợp lý, tránh áp lực cho các đô thị trung tâm, công tác bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hóa, thuận lợi hơn… Theo xu hướng này thì chúng ta có thể xây dựng nên một hệ thống các đô thị khá đa dạng, mang các sắc thái riêng biệt, đặc trưng ở từng khu vực, vùng miền, tạo nên những nét hấp dẫn riêng, ngõ hầu cũng là cách để phát triển kinh tế du lịch mạnh mẽ trong tương lai. Một vấn đề nữa không thể không nói đến là việc thiết kế chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành và quy định thực hiện chức trách của đội ngũ cán bộ ở những đơn vị này phải phù hợp với bối cảnh mới để vận hành hiệu quả. Chúng ta có thể hình dung rằng sẽ có nhiều loại việc hơn mà các đơn vị này phải thực hiện, vì vừa phải tiến hành với tư cách là cơ sở nhưng đồng thời cũng là cấp tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh quyết định. Để đáp ứng tốt các yêu cầu này, chắc chắn phải có đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu ở cấp tỉnh vừa giỏi chuyên môn, tận tụy với công việc và đủ số lượng, bố trí tối ưu trên cơ sở Đề án vị trí, việc làm phù hợp bối cảnh mới. Nhìn chung, thiết nghĩ trong giai đoạn đầu, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đô thị hóa sẽ gặp một số khó khăn, sẽ lúng túng nhưng nếu điều chỉnh kịp thời các giải pháp, nhất là việc phát huy các yếu tố phù hợp với Nghệ An của mô hình, xu hướng phát triển đô thị mới và phát huy thành quả của cuộc cách mạng về cải cách tổ chức, bộ máy thì nhiệm vụ phát triển đô thị sẽ được tiến hành có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.
Nguyễn Phúc Nam Đàn
|
|