image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nuôi lươn quy trình khép kín: hướng đi mới cho người nuôi thuỷ sản
Lươn đồng (Monopterus albus) là một đối tượng thuỷ sản rất quen thuộc với người dân, là món ăn đặc sản của người Việt Nam. Lươn có thể được dùng làm nguyên liệu của các món ăn được ưa chuộng như: cháo lươnmiến lươnlẩu lươnchuối om lươn... Giá trị của lươn không chỉ là có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn là đối tượng có giá trị kinh tế cao trên thị trường so với một số loài thuỷ sản nước ngọt khác. Lươn đồng là một đối tượng nuôi tiềm năng, sinh trưởng phát triển nhanh, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện nuôi của người dân Nghệ An nói chung và huyện Yên Thành nói riêng, có thể nuôi được ở nhiều vùng với nhiều hình thức nuôi khác nhau và phù hợp với trình độ kỹ thuật, điều kiện đầu tư của người dân địa phương, góp phần cải thiện nhu cầu dinh dưỡng, tạo ra sản phẩm hàng hoá có truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó việc chủ động sản xuất giống lươn phục vụ cho nghề nuôi lươn nhằm giải quyết con giống đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nuôi đạt hiệu quả hơn cho nông dân, nhất là nông dân ở các xã còn khó khăn, khó phát triển các mô hình nuôi thâm canh quy mô lớn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay với quy trình nuôi khép kín cụ thể như sau:
I. Quy trình sản xuất:
1. Quy trình sản xuất giống lươn:
1.1. Xây dựng khu vực ương nuôi:
a. Đối với khu vực nuôi lươn bố mẹ:
Diện tích bể dao động 15 - 30 m2, có thể sử dụng bể xi măng hoặc bể lót bạt. Vị trí thích hợp cho bể nuôi vỗ đặt nơi thoáng đãng, tránh nắng gắt và không bị tán cây che rợp, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt và ống thoát nước chống tràn nhằm giữ mực nước ổn định trong bể.
Đất trước khi đưa lươn bố mẹ vào bể nuôi được cải tạo theo các bước sau: Bón vôi với liều lượng 3kg/ m3 đất, sau đó cấp nước vào bể ngâm từ 2 - 3 ngày và tháo nước bỏ và lập lại ít nhất 3 lần. Đất được bố trí theo vách bể, bề mặt và bề cao ụ đất từ 0,4 - 0,5m; mức nước sâu từ 0,3 - 0,4 m. Trên bề mặt ụ đất trồng cây cỏ thủy sinh có rễ chùm mềm nhằm tạo quang cảnh sinh thái tự nhiên và hoặc tạo những ổ đẻ để thuận lợi cho thao tác thu trứng.
                              Khu vực nuôi vỗ lươn bố mẹ
b. Đối với nhà xưởng ấp trứng và bố trí trang thiết bị trong nhà ấp
Nhà ấp được xây dựng với thiết kế có ô cửa sổ nhằm tạo độ thông thoáng cho nhà ấp, vị trí thích hợp cho nhà ấp trứng phải thoáng mát, tránh gió lùa, nhiệt độ trong nhà thích hợp cho quá trình ấp trứng (từ 26 - 320C) với diện tích nhà ấp từ 12 - 20 m2 tùy thuộc vào diện tích bể nuôi sinh sản. Các loại trang thiết bị ấp phục vụ khâu ấp trứng được bố trí trong nhà như sau: đá bọt sục khí, thau ấp, thùng lắng nước ấp trứng, nhiệt kế…Dụng cụ: Muỗng, các loại vợt, pipet, dây nilon làm giá thể,…. Thiết bị ấp: máy sục khí và phụ kiện kèm theo.
Nguồn nước phục vụ sản xuất phải được lắng lọc và xử lý bằng chất sát khuẩn tại bể chứa nước trước ít nhất 24 giờ trước khi đưa vào bể ấp.
c. Đối với bể ương giống:
Bể ương giống là loại bể lót bạt, bể compozit hoặc bể xây có diện tích từ 1,5 - 2 m2/bể với chiều cao 0,4 - 0,5 m được bố trí trong khu vực có mái che và có cống thoát nước đặt ở đáy bể. Mỗi mô hình xây dựng từ 4 - 10 bể, tùy thuộc vào số lượng lươn bột và hương thu được.                                 
1.2. Quy trình sản xuất:
a. Tuyển chọn và nuôi vỗ lươn bố mẹ:
 Do lươn là loài có đặc tính sinh dục tiền cái và chuyển giới tính sau khi tham gia sinh sản, nên cần có biện pháp chọn lươn tham gia sinh sản cho phù hợp mới đạt hiệu quả. Dựa vào kích thước và trọng lượng cơ thể để xác định lươn đực và lươn cái. Khi chọn lươn bố mẹ để nuôi vỗ: lươn có thể trọng từ 30 - 100 gam thường là lươn cái và nếu lớn hơn 150 gam thường là lươn đực hoặc lưỡng tính. Tuy nhiên cần lưu ý một số điểm khi chọn lươn bố mẹ bố trí vào bể nuôi: khỏe mạnh, nhanh nhẹn, cơ thể sáng bóng, nhiều nhớt và nguồn gốc từ những bể nuôi thương phẩm hoặc tự nhiên đã được thuần dưỡng. Lươn thường chỉ thể hiện rõ tính đực cái vào mùa sinh sản: lươn cái được nhận dạng bằng cảm quan như lươn cái có da bụng mỏng, bụng to hơi phình ở gần lỗ hậu môn, đuôi ngắn; lươn đực có bụng thon, da bụng dày, đuôi nhọn và dài. Lươn bố mẹ trước khi bố trí vào bể nuôi sinh sản phải tắm cho lươn bằng nước muối 2 - 3% trong 5 phút.
- Mật độ trung bình 15 - 20 con/m2; tỷ lệ đực cái ghép nuôi vỗ là 1:1
- Điều kiện môi trường thích hợp cho lươn sống và sinh sản: pH từ 7 - 8.5; hàm lượng oxy thích hợp từ 3 - 4 mg/l; nhiệt độ thích hợp cho trứng và lươn đẻ từ 26 - 300C.
- Thời gian nuôi vỗ lươn từ 1 - 3  tháng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của buồng trứng và mùa vụ sinh sản. Mùa vụ sinh sản chính của lươn bắt đầu từ tháng 3 kéo dài liên tục đến tháng 10 dương lịch.
Khu vực ương lươn giống
b. Thức ăn và quản lý chăm sóc:
Loại thức ăn sử dụng: Thức ăn tươi sống (cá tạp, ốc bươu vàng, hến...) và thức ăn công nghiệp (> 40% đạm) phối trộn theo tỉ lệ  7:3 (70% thức ăn tươi sống và 30 % TĂCN). Khẩu phần ăn: từ 2 - 3% khối lượng cá thể thả nuôi/ngày.
Thời điểm cho ăn: từ 4 - 5 giờ chiều, sau 2 tiếng kiểm tra sàn ăn và loại bỏ thức ăn thừa. Sàn ăn đặt nổi trên mặt nước hạn chế thức ăn thừa; bổ sung thêm men tiêu hóa, khoáng vi lượng, các loại Vitamin vào thức ăn nuôi vỗ nhằm tăng sức đề kháng và giúp cho lươn thành thục tốt.
Tăng cường kích thích điều kiện sinh thái thay nước thường xuyên, bơm phun mưa hoặc thay nước nhưng vẫn đảm bảo giữ mức nước ổn định trong bể nuôi.
c. Phương pháp cho lươn sinh sản:
Sau thời gian nuôi vỗ lươn bố mẹ được bố trí vào bể sinh sản tạo cảnh quang giống điều kiện tự nhiên và không dùng kích dục tố tiêm cho lươn bố mẹ
- Mật độ nuôi tại bể sinh sản 15 - 25 con/m2
- Vào thời điểm sinh sản, lươn đực và lươn cái tự tìm đến bắt cặp với nhau, con cái đẻ trứng, con đực thụ tinh cho trứng do con cái đẻ ra. Lươn cái đẻ trứng trong đám bọt nằm trên phần ngập nước.
- Sau khi nuôi tại bể sinh sản, thường xuyên theo dõi kiểm tra và phát hiện tổ trứng đầu tiên. Việc thu trứng được nhóm thực hiện thu 3 ngày/lần.
Mật độ nuôi vỗ: 15 - 20 con lươn bố mẹ/m2 bể nuôi. Sau khi bố trí lươn mang trứng (mắt thường có thể nhìn thấy những hạt trứng thành thục qua lớp da bụng mõng). Mùa vụ chính từ tháng 2 - 7 âm lịch, tuy nhiên vẫn có thể bắt gặp lươn sinh sản vào tháng 8 - 9 âm lịch.
* Kỹ thuật thu và ấp trứng
+ Kỹ thuật thu trứng:
- Tùy theo kích thước đám bọt, dùng muỗng hoặc vợt thích hợp để thu hết số trứng hoặc lươn bột nằm lẫn trong đám bọt của tổ trứng.
- Dùng nước sạch rửa trứng, lươn bột nhiều lần để loại bỏ đất, rác lẫn trong mẫu trứng thu được. Tắm trứng và lươn bột bằng nước muối 2 - 3% trước khi đưa vào dụng cụ ấp.
+ Phân loại trứng và lươn bột:
- Trứng màu vàng chanh: trứng mới đẻ
- Trứng màu vàng cam: đang phát triển phôi
- Trứng màu nâu nhạt: phôi sắp nở
-  Lươn bột còn noãn hoàng: ít vận động, kích thước 1- 2cm
- Lươn bột hết noãn hoàng: Bắt đầu có sắc tố đen, bơi lội nhanh nhẹn
* Kỹ thuật ấp trứng:
- Bố trí trứng, lươn bột vào dụng cụ ấp: thau nhựa dung tích 3 - 6 lít, sục khí 24/24 đảm bảo cung cấp đủ oxy cho phôi phát triển.
- Mật độ ấp: 3.000 - 3.500 trứng/m2.
- Nước sử dụng được lắng lọc qua hệ thống lọc vô cơ, diệt khuẩn nguồn nước bằng Iodine 1ml/m3 sục khí 24h.
- Thường xuyên theo dõi và vớt hết trứng chuyển màu trắng đục (trứng không thụ tinh và bị xây xát) nhằm hạn chế độ ô nhiễm của nước trong dụng cụ ấp
- Giữ nhiệt độ ổn định trong quá trình ấp trứng. Tần suất thay nước 2 - 3 lần/ngày.
- Thời gian từ khi trứng đẻ ra đến khi nở thành lươn bột mất từ 7 - 8 ngày (trong điều kiện nhiệt độ 28 - 300C). Thời điểm này lươn bột sống nhờ vào chất dinh dưỡng của noãn hoàng; khối noãn hoàng tiêu biến sau 1 tuần. Lươn con có sắc tố đen và có chiều dài từ 2 - 3cm, chủ động tìm nơi trú ẩn và bắt mồi xung quanh.
1.3. Kỹ thuật ương lươn bột lên lươn giống
a. Ương lươn bột lên lươn hương: 
Thời gian ương kéo dài 45 - 50 ngày chia làm 2 giai đoạn.
- Giai đoạn 1:
+ Thời gian ương 15 - 20 ngày, mật độ 1.500 - 2.000 con/m2
+ Khi lươn có sắc tố nâu đen (giống như lươn trưởng thành) có thể bắt mồi bên ngoài tiếp tục ương tiếp trong nhà ấp bằng thau có giá thể (dây nilon xé nhỏ) tạo nơi trú ẩn và sục khí, lượng giá thể chiếm 40 - 50% diện tích đáy dụng cụ.
+ Chăm sóc: Thức ăn chính là moina, giùn chỉ; cho ăn 2- 4 lần/ ngày; chế độ thay nước 2 - 3 lần/ngày. Kích cỡ đạt từ 8.000 - 10.000 con /kg
- Giai đoạn 2:
+ Thời gian ương 20 - 30 ngày. Mật độ 1.000 -1.500 con/m2.
+ Thức ăn chính là giùn chỉ, cho ăn 2 - 4 lần/ngày; thay nước 2 - 3 lần/ngày. Kích cỡ đạt từ 4.000 - 6.000 con/kg.
b. Ương lươn hương lên lươn giống:
- Mật độ ương 700 - 1.000 con/m2
- Lươn đạt kích cỡ 6 - 7 cm/con tiến hành bố trí vào bể lót bạt hoặc bể lót gạch men. Giá thể được sử dụng là dây nilon.
- Thời gian ương: từ 45 - 50 ngày, đạt kích cỡ 8 - 10 cm; nhiệt độ thích hợp 26 – 320C.
- Cho ăn: 50% giun quế + 50% thức ăn công nghiệp. Số lần cho ăn 2 - 3 lần/ngày; chế độ thay nước: 1 - 2 lần/ ngày. Định kỳ tắm lươn bằng nước muối 2 - 3% (20 - 30g muối hòa với 01 lít nước) nhằm hạn chế lươn nhiễm nấm thủy mi và bội nhiễm một số bệnh khác. Trong quá trình ương cần chú ý phân cỡ lươn để lươn tăng trưởng đồng đều và tránh hiện tượng ăn nhau.
2. Quy trình nuôi lươn thương phẩm:
2.1. Xây dựng bể nuôi:
a. Vị trí xây dựng bể nuôi
Vị trí nơi thông thoáng, yên tĩnh, gần khu vực có điện, thuận tiện cho việc chăm sóc quản lý, hạn chế các hoạt động gây ồn ào. Vị trí đủ điều kiện thay nước.
b. Kỹ thuật thiết kế xây dựng bể nuôi
Diện tích từ 5 -  6m2; Thành bể cao 0,6 - 0,7m; Mức nước từ 0,3 - 0,4m; Bể xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, xi măng thành bể dày 10 - 15cm, lát gạch men ở mặt trong; Thiết kế mặt đáy nghiêng về phía thoát nước; Ống thoát nước sử dụng ống nhựa giữ mức nước Ф90, chiều cao 45cm; ống thoát nước có khoan lỗ bọc lưới Ф90, chiều cao 30cm; ống cấp nước Ф42; ống thoát nước Ф60-90; Phía trên bể được lợp bằng mái che.
Phải xây dựng hệ thống bể chứa nước, lọc nước để sử dụng cho thay nước và xử lý khi cần thiết.
c. Bố trí giá thể
Loại giá thể là búi nilon được cột dài 80 - 100cm. Giá thể bố trí chiếm 30 - 40% diện tích đáy bể.
d. Bố trí khung cho lươn ăn
- Khung bao quanh búi nilon tránh thức ăn trôi dạt khắp bể.
- Khung được làm từ ống nhựa Ф48.

                                         Bể nuôi lươn thương phẩm
2.2. Các bước chuẩn bị trước khi thả nuôi
- Tiến hành khử trùng bể nuôi, giá thể, khung cho ăn bằng Iodine với liều lượng 1ml/1m3.
- Nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi phải được diệt khuẩn bằng Iodine với liều lượng 1ml/1m3 sục khí 24h nhằm loại bỏ mầm bệnh, diệt các loại ấu trùng, ký sinh trùng.
- Khung cho ăn bố trí tại vị trí cố định và có thể tháo gỡ để vệ sinh.
- Ngừng cho lươn ăn 1 - 2 ngày trước khi phân cỡ chuyển sang bể
- Tắm lươn trong dung dịch muối có nồng độ 2 - 3% (20 - 30g muối pha với 1 lít nước) trong thời gian 5 phút để loại bỏ ký sinh và sát trùng vết thương trong quá trình nuôi. 
a. Chọn và thả giống
- Thời vụ thả: tháng 3 - 4 dương lịch
- Mật độ: 100 - 200 con/m2
- Kích cỡ: 8 - 10cm.
- Chọn giống: Lươn khoẻ mạnh, có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng bơi lội nhanh nhẹn, không xây xát, thương tổn, mất nhớt.
-  Cách thả: thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
b. Thức ăn và cách cho ăn
 + Thức ăn:  Sử dụng 100% thức ăn công nghiệp 44%protein.
 + Cách cho ăn
- Cho ăn vào 6 - 7h sáng và 16 - 17h chiều hàng ngày khẩu phần ăn từ 1 - 2% trọng lượng thân trong 10 - 15 ngày đầu. Sau đó, tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của lươn để cho lươn ăn với khẩu phần ăn từ 2 - 8% tổng trọng lượng lươn nuôi.
- Theo dõi mức ăn của lươn để hạn chế thức ăn thừa, 1 - 2 giờ sau khi cho lươn ăn nên kiểm tra và vớt bỏ phần thức ăn thừa.
- Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn phải nắm vững nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) nhằm điều chỉnh lượng thức ăn một cách hợp lý:
+ Ðịnh chất là thức ăn phải đảm bảo đủ chất lượng theo tốc độ tăng trưởng của lươn nuôi, thức ăn công nghiệp phải còn hạn sử dụng, đúng độ đạm cần thiết theo từng giai đoạn phát triển.
+ Ðịnh lượng là vừa đủ no, không để thức ăn thừa (lươn rất tham ăn dễ bị bội thực).
+ Ðịnh thời gian: chọn thời gian thích hợp cho lươn ăn từ 7 - 8h sáng, 15 - 17h chiều.
+ Ðịnh vị: Vị trí đặt sàng ăn phải cố định.
- Định kỳ bổ sung men tiêu hoá, khoáng vi lượng, vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng và giúp lươn tăng trưởng nhanh.
c. Quản lý chăm sóc
 - Định kỳ 1 tuần/lần kiểm tra các yếu tố môi trường nuôi như pH, Oxy, NH3… trước và sau mỗi lần thay nước bể nuôi.
- Thay nước 2lần/ngày để tạo môi trường trong sạch cho lươn phát triển. Thường xuyên vệ sinh giá thể (2 lần/ tuần) và khung cho ăn trong quá trình thay nước.
- Sau 1 - 1,5 tháng dùng vợt phân cỡ một lần theo từng nhóm lươn; trước khi phân cỡ bỏ đói lươn từ 1 - 2 ngày để lươn bài tiết hết thức ăn.
- Định kỳ 10 - 15 ngày tắm cho lươn bằng nước muối với nồng độ 1 - 2% (10 - 20g hòa với 01 lít nước) để ngừa bệnh cho lươn.
- Cần giữ nhiệt độ ổn định cho môi trường nuôi; nếu độ chênh lệch nhiệt độ nước bể nuôi trong ngày > 50C ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bắt mồi của lươn: ăn ít và chậm phát triển. 
- Thường xuyên kiểm tra bể nuôi nhằm tránh thất thoát trong quá trình nuôi.
- Tiến hành xổ giun cho lươn định kỳ 30 ngày/ lần. Sử dụng thuốc Fugacar 1 viên/30 kg lươn.
- Quản lý dịch bệnh trong bể nuôi là việc làm cần được chú ý. Trong quá trình nuôi thường xảy ra một số bệnh như bệnh sốc môi trường, nấm thuỷ mi, hội chứng lở loét và bệnh nội ngoại ký sinh.
3. Mô hình nuôi cụ đạt được như sau:
Năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An triển khai mô hình nuôi lươn quy trình khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn thành, Yên thành. Sau 10 tháng nuôi với số lượng lươn bố mẹ đưa vào cho sinh sản là 200kg kết quả đạt được là đã tiến hành thu được 16 đợt trứng, tổng số trứng thu được khoảng 100 - 120 nghìn trứng, tỷ lệ ấp trứng đạt trung bình đạt 70%, tỷ lệ ương lên lươn giống đạt 75% thu được khoảng 50.000 con lươn giống. Số lượng lươn giống trên đã bán ra thị trường 30.000 con với giá bán 450 đồng/con thu được 135 triệu đồng còn lại 20.000 con đưa vào nuôi thương phẩm, sau 8 tháng nuôi từ lươn bột lươn lên đạt kích cỡ 100 - 150 gram/con với giá bán lươn thương phẩm 200.000 đồng/kg thu được 240 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, nhân công, năng lượng, khấu hao ao bể…  cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng
II. Kết luận:
Như vậy để sinh sản lươn giống và nuôi thương phẩm thành cần lưu ý một số yêu cầu kỹ thuật chính sau đây:
- Đối với sinh sản nhân tạo: Nguồn lươn bố mẹ phải mua từ các cơ sở có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ở các nơi khác nhau để không gây ra hiện tượng cận huyết. Phải chọn lươn bố mẹ đã thành thục da bụng lươn cái mỏng, bụng hơi phình to do buồng trứng phát triển, lỗ sinh dục hơi dẹt và hồng và có trọng lượng từ 30 - 100g là tốt nhất. Sử dụng nước muối 5% hoặc thuốc tím 1 – 2g/m3 tắm cho lươn trong 5 - 10 phút để loại bỏ nấm và ký sinh trùng trước khi thả vào bể. Mật độ thả là 8 - 10 con/m2, không bố trí quá dày vì khi sinh sản lươn quậy ổ sẽ làm sụp đất. Thức ăn cho vào sàn ăn đặt vào vị trí cố định, sau khi cho lươn bố mẹ ăn khoảng 2 giờ, kiểm tra lượng thức ăn trong sàn ăn, nếu còn dư nên vớt bỏ để tránh ô nhiễm nguồn nước.
- Đối với nuôi lươn thương phẩm: Sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm ≥ 40%, thức ăn không nhiễm nấm móc và còn hạn sử dụng. Định kỳ 1 tháng/1 lần hoặc thấy lươn phân đàn, kích cỡ không đều ta tiến hành phân cỡ lươn, tránh tình trạng lươn sẽ ăn lẫn nhau. Trước khi phân cỡ cho lươn nhịn ăn 1 ngày, dùng sàn trơn láng hoặc vợt để phân loại cỡ lươn tránh dùng tay bắt lươn. Định kỳ 1 tuần/lần trộn vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho lươn. Nếu thời tiết thay đổi đột ngột nắng nóng hoặc mưa kéo dài thì nên trộn 2 lần/tuần./.
Vũ Thị Vinh
Trung tâm Khuyến nông
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN