Các nhiệm vụ của Nghị quyết 57 được
chia thành sáu hệ thống, với 30 sáng kiến đột phá, triển khai phần lớn trong
giai đoạn 2025-2030.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phát
triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đầu tháng 6 đã ban
hành Kế hoạch hành động chiến lược, dựa trên Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Kế hoạch áp dụng "cách tiếp
cận mới theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng điểm". Theo đó, các nhiệm
vụ được tổ chức thành sáu hệ thống, gồm: 5 hệ thống chiến lược trọng yếu và một
mệ thống dự án đặc biệt quan trọng.
"Các hệ thống đều được gắn với
các Sáng kiến đột phá, có tính định hướng, dẫn dắt, bảo đảm đồng bộ, liên kết
chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau", kế hoạch nêu.
Hệ thống đổi mới thể chế và quản
trị quốc gia (Hệ thống 1) tập trung hiện đại hóa nền quản trị hành
chính quốc gia, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng
hiệu quả, thống nhất dữ liệu quốc gia, kết hợp chặt chẽ với quá trình đổi mới
thể chế.
Ba sáng kiến đột phá bao gồm: Đổi
mới mạnh mẽ thể chế để gỡ bỏ rào cản về thể chế, chính sách để mở đường cho
phát triển; Xây dựng mô hình quản trị dựa trên nền tảng dữ liệu, dịch vụ số và
AI; Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ an ninh, quốc phòng dựa
trên các nền tảng trí tuệ nhân tạo và người máy, công nghệ tích hợp giám sát hiện
trường thời gian thực.
Hệ thống phát triển công nghiệp,
tự chủ về công nghệ (Hệ thống 2) tập trung thúc đẩy các hoạt động
nghiên cứu, phát triển và chuyển giao tri thức, đổi mới sáng tạo, triển khai
Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Hệ thống có vai
trò góp phần hình thành phương thức sản xuất mới dựa trên khoa học, công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam thích ứng
với môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Sáu sáng kiến trọng điểm của hệ
thống gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ bán dẫn, vật liệu mới; Chương
trình năng lượng quốc gia; Nền tảng chia sẻ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo quốc
gia; Hệ sinh thái sở hữu trí tuệ và chuyển giao tri thức và công nghệ; Ứng dụng
công nghệ số, AI và áp dụng mô hình sản xuất thông minh trong doanh nghiệp;
Chương trình công nghiệp quốc phòng và an ninh tự chủ, lưỡng dụng và hiện đại.
Phòng sạch, Trung tâm Nano và
Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào
tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang Huy
Hệ thống an sinh và phúc lợi (Hệ
thống 3) tập trung xây dựng hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hiện đại, hướng
tới mục tiêu xây dựng xã hội văn minh, nâng cao chất lượng sống, bảo đảm người
dân hạnh phúc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Hệ thống gồm sáu sáng kiến đột
phá: Y tế thông minh; Giáo dục thông minh; Nông nghiệp bền vững và thông minh;
Môi trường xanh và đô thị thông minh; Phong trào "Bình dân học vụ số";
Phát triển con người Việt Nam hạnh phúc.
Hệ thống hạ tầng thông tin và
dữ liệu (Hệ thống 4) phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, công
nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả,
tránh lãng phí", đồng thời triển khai Cuộc cách mạng dữ liệu quốc gia, đưa
dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, tạo nguồn lực mới cho phát triển, góp phần
đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu có về dữ liệu.
Ba sáng kiến đột phá trong hệ thống
gồm: Phát triển hạ tầng viễn thông, Internet; Điện toán đám mây và Trung tâm dữ
liệu quốc gia; Nền tảng IoT quốc gia.
Hệ thống năng lực sáng tạo và
văn hóa đổi mới (Hệ thống 5) tập trung xây dựng hệ sinh thái khoa học,
công nghệ và đổi mới sáng tạo toàn diện, lấy con người làm trung tâm, tri thức
làm nền tảng và văn hóa đổi mới sáng tạo làm động lực, chú trọng việc thu hút
và phát triển nhân tài khoa học công nghệ.
Hệ sinh thái này được cấu thành bởi
ba trụ cột, gồm: Mạng lưới nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo; Nguồn nhân lực chất lượng cao; và Văn hóa đổi mới sáng tạo.
Năm sáng kiến đột phá trong hệ thống
gồm: Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu xuất sắc và phòng thí nghiệm trọng điểm
dùng chung; Thu hút và ươm tạo tài năng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo;
Nghiên cứu cơ bản và phát triển công nghệ lõi cho máy tính thế hệ tương lai; Nền
tảng thông tin và tri thức khoa học công nghệ dùng chung; và Văn hóa đổi mới.
Hệ thống dự án đặc biệt quan
trọng (Hệ thống 6) tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực quốc gia để
tổ chức triển khai thành công một số dự án công nghệ quy mô lớn, có tính đột
phá, sản phẩm cụ thể, mang lại tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế - xã hội
và giải quyết các bài toán lớn, mang tính chiến lược của đất nước.
"Việc lựa chọn và phê duyệt
các dự án đặc biệt quan trọng được thực hiện trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng xu
hướng và kinh nghiệm quốc tế, năng lực nội tại của Việt Nam, dự báo nhu cầu thị
trường trong nước và quốc tế, xác định vị trí tối ưu của Việt Nam trong chuỗi
giá trị toàn cầu, bảo đảm tính khả thi và đánh giá toàn diện về hiệu quả và tác
động", kế hoạch nêu.
Năm sáng kiến trong hệ thống gồm:
AI quốc gia; Công nghệ gene chữa bệnh; Công nghệ năng lượng nguyên tử; Công nghệ
đường sắt cao tốc Bắc-Nam; Công nghệ chế tạo thiết bị không người lái và robot
phục vụ an ninh - quốc phòng và sản xuất tự động.
Một thiết bị bay không người lái
của Việt Nam trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024. Ảnh: Giang
Huy
Về triển khai, kế hoạch đề ra ba
giai đoạn, trong đó 2025-2027 là giai đoạn xây dựng nền tảng,
tạo đột phá ban đầu. Giai đoạn này tập trung triển khai các nhiệm vụ cấp bách
nhằm tạo nền móng về thể chế, hạ tầng, nhận thức và khởi động các sáng kiến có
tính lan tỏa cao. Một số sáng kiến được đề cập trong giai đoạn này thuộc các hệ
thống 1, hệ thống 2, hệ thống 4, đồng thời khởi động một số sáng kiến của hệ thống
6.
2028-2030 là giai đoạn
tăng tốc, mở rộng, tập trung triển khai diện rộng, hoàn thiện các hệ thống và ứng
dụng sâu rộng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số vào mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Phần lớn hệ thống, sáng kiến đều được
nhắc đến trong giai đoạn này.
2031-2045 được xác định
là giai đoạn phát triển nhanh, bền vững và hội nhập sâu rộng. Trên cơ sở tổng kết,
rút kinh nghiệm quá trình triển khai các giai đoạn trước, Ban Chỉ đạo Trung
ương tổ chức đánh giá toàn diện, làm căn cứ điều chỉnh, cập nhật kế hoạch hành
động, xác định lộ trình và các nhiệm vụ trọng tâm phù hợp.
Ngoài ra, Kế hoạch hành động cũng
nêu rõ các vấn đề về Giải pháp trọng tâm và đột phá, Tổ chức thực hiện.
Theo vnexpress.net