-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|
27/06/2025
Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy
Trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua một loạt quyết sách quan trọng như sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, ngày 19/6, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ký ban hành Kế hoạch số 02. Kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7 tới.
Việc tinh gọn bộ máy tổ chức nhà nước không chỉ hướng đến giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách mà còn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phục vụ người dân. Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là làm sao để bộ máy mới sau sắp xếp vẫn vận hành thông suốt, không bị gián đoạn, đặc biệt trong xử lý thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xác định là công cụ đột phá, cho phép tái cấu trúc toàn bộ hoạt động trên nền tảng số hóa, dữ liệu số và tương tác số.
Theo Cục Chuyển đổi số – Cơ yếu (Văn phòng Trung ương Đảng), Kế hoạch 02 không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà là một chiến lược cải cách mang tính chính trị – hành chính sâu rộng, đòi hỏi toàn hệ thống phải chuyển động đồng bộ, nhất quán và quyết liệt. Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không thể dừng lại ở việc trang bị thiết bị hay phần mềm, mà phải là một quá trình đổi mới tư duy, cách tổ chức công việc và vận hành bộ máy hành chính. Trong đó, người dân và doanh nghiệp được đặt vào vị trí trung tâm, và sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả.
Kế hoạch 02 được xây dựng theo hai giai đoạn rõ ràng. Giai đoạn cấp bách, từ nay đến ngày 30/6, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, dữ liệu để đảm bảo hệ thống chính quyền địa phương hai cấp sau sáp nhập vận hành thông suốt và hiệu quả ngay từ ngày 1/7. Giai đoạn này đặc biệt chú trọng đến việc không để xảy ra ách tắc, gián đoạn trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm mọi hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp được duy trì.
Tiếp theo là giai đoạn đột phá, kéo dài đến hết ngày 31/12/2025. Mục tiêu là khắc phục căn bản những tồn tại, yếu kém trong chuyển đổi số của toàn hệ thống chính trị. Kế hoạch nhấn mạnh việc hoàn thiện các nền tảng dùng chung, chuẩn hóa và kết nối cơ sở dữ liệu quan trọng, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất. Đây là bước chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Từ ngày 1/7 đến hết năm 2025, kế hoạch đặt mục tiêu cung cấp tập trung trực tuyến toàn bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, theo hướng thống nhất, đồng bộ toàn quốc, thay thế dần các dịch vụ công trực tuyến riêng lẻ tại cấp tỉnh. Trong đó, sẽ duy trì và cung cấp hiệu quả 25 dịch vụ công trực tuyến toàn trình đã được tích hợp; đồng thời triển khai 982 dịch vụ công trực tuyến với yêu cầu mỗi dịch vụ phát sinh tối thiểu 1.000 hồ sơ mỗi năm tại mỗi tỉnh. Ngoài ra, 1.139 thủ tục hành chính sẽ có thành phần hồ sơ được thay thế bằng dữ liệu, giảm thiểu giấy tờ và chi phí cho người dân.
Các bộ UBND phường Sài Gòn thử thao tác vận hành xử lý hồ sơ trong ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp (ảnh sưu tầm)
Kế hoạch cũng xác định ba giải pháp đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Thứ nhất, thống nhất trải nghiệm số cho người dân và doanh nghiệp, bằng việc thiết lập mô hình tương tác gồm hai thành phần duy nhất: VNeID là “chìa khóa số” để định danh, xác thực và nhận thông báo từ chính quyền; còn Cổng Dịch vụ công Quốc gia là “một cửa số” duy nhất để thực hiện các thủ tục hành chính. Trọng tâm là phát triển nền tảng tờ khai điện tử tương tác, giúp tái sử dụng dữ liệu, cắt giảm tối đa hồ sơ, giấy tờ.
Thứ hai, Kế hoạch đề ra nhiệm vụ hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và năng lực giám sát hiện trường. Cùng với đó là xây dựng các nền tảng số để người dân, doanh nghiệp và tổ chức thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp.
Thứ ba, Kế hoạch nhấn mạnh việc liên thông hệ thống văn bản điều hành số giữa Đảng, Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo gửi, nhận văn bản điện tử kể cả văn bản mật một cách thông suốt, an toàn và bảo mật. Điều này tạo tiền đề để vận hành hệ thống quản lý nhà nước trên nền tảng số toàn diện và thống nhất.
Mô hình vận hành được xác lập theo nguyên tắc: “Một hệ thống thống nhất – Một dữ liệu duy nhất – Một dịch vụ liền mạch”. Người dân và doanh nghiệp sẽ chỉ cần tương tác qua một cửa duy nhất là Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc ứng dụng VNeID để tiếp cận toàn bộ dịch vụ hành chính công mà không cần phân biệt cấp hành chính hay đơn vị cung cấp dịch vụ.
Trong mô hình này, Ban Chỉ đạo Trung ương đóng vai trò Tổng chỉ huy, trong khi Chính phủ và các Bộ chịu trách nhiệm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản trị dữ liệu quốc gia. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đơn vị triển khai trực tiếp tại địa phương, còn xã là cấp thực thi, tuyến đầu tiếp xúc và phục vụ người dân. Từ ngày 1/7, dữ liệu hành chính mới sẽ được tạo lập theo tiêu chí: "đúng – đủ – sạch – sống – thống nhất – dùng chung".
Với tầm nhìn dài hạn và các giải pháp cụ thể, Kế hoạch 02 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, căn bản trong hoạt động của hệ thống chính trị, góp phần thực hiện hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất./.
Trần Quang (TH)
|
|