-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|
14/05/2025
Nghị quyết 68-NQ/TW: Kinh tế tư nhân trở thành động lực tiên phong trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặt mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia vào năm 2030, tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết này, cùng với Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, củng cố niềm tin và tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân Việt Nam đã phát triển vượt bậc với hơn 940.000 doanh nghiệp và 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, và sử dụng 82% lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, FPT, Viettel đã khẳng định thương hiệu trong khu vực và quốc tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng suất lao động và ổn định xã hội. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều hạn chế: quy mô chủ yếu siêu nhỏ, nhỏ và vừa; năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp; thiếu tầm nhìn chiến lược và kết nối với doanh nghiệp nhà nước, FDI.
Nguyên nhân chính bao gồm tư duy chưa đầy đủ về vai trò kinh tế tư nhân, thể chế pháp luật còn bất cập, quyền tài sản và tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ, cùng khó khăn trong tiếp cận vốn, công nghệ, đất đai và nhân lực chất lượng cao. Chi phí kinh doanh cao và chính sách hỗ trợ thiếu hiệu quả cũng là rào cản lớn.
Ảnh minh họa
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân trở thành lực lượng tiên phong, đạt tốc độ tăng trưởng 10–12%/năm, đóng góp 55–58% GDP, 35–40% ngân sách nhà nước, và giải quyết 84–85% việc làm. Phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, năng suất lao động tăng 8,5–9,5%/năm, với trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc top 3 ASEAN, top 5 châu Á. Tầm nhìn đến 2045, kinh tế tư nhân phát triển bền vững, có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP và cạnh tranh mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Nghị quyết 68-NQ/TW đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia: đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển; hoàn thiện thể chế, bảo đảm quyền tài sản, tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng; tạo điều kiện tiếp cận đất đai, vốn và nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và doanh nghiệp FDI; phát triển các tập đoàn tư nhân tầm cỡ khu vực, toàn cầu; hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; đồng thời đề cao đạo đức kinh doanh, khuyến khích doanh nhân tham gia quản trị quốc gia, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và cạnh tranh.
Giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, được nhấn mạnh trong nhiệm vụ thứ 4 của Nghị quyết 68-NQ/TW, bao gồm các chính sách cụ thể nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước thiết lập khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) để doanh nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, fintech và y tế thông minh. Về tài chính, doanh nghiệp được khấu trừ 200% chi phí nghiên cứu vào thu nhập chịu thuế, trích tối đa 20% thu nhập lập quỹ phát triển công nghệ, đồng thời hưởng miễn giảm thuế cho khởi nghiệp sáng tạo, chuyên gia và quỹ đầu tư mạo hiểm. Doanh nghiệp tư nhân cũng được sử dụng phòng thí nghiệm và trung tâm thử nghiệm của Nhà nước với chi phí hợp lý, trong khi Nhà nước ưu tiên đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo để ươm tạo và chuyển giao công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới và phát triển bền vững.
Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ củng cố vai trò của kinh tế tư nhân mà còn đồng hành với Nghị quyết 57-NQ/TW, tạo nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia. Theo Bộ KH&CN, các chính sách này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghệ lõi, từ trí tuệ nhân tạo đến thương mại điện tử, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo. Với sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng sẽ bứt phá, trở thành lực lượng nòng cốt trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng đến năm 2045./.
Nguyễn hải (TH)
|
|