04/07/2025
Ra mắt Hệ sinh thái an ninh mạng NCS ứng dụng AI: Bước tiến mới bảo vệ thành quả chuyển đổi số
Ngày 2/7/2025, tại trụ sở Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng NCS ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chính thức được ra mắt. Đây là hệ sinh thái “Make in Vietnam” đầu tiên được phát triển bởi các chuyên gia trong nước, kết hợp công nghệ hiện đại và kinh nghiệm thực chiến, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường số. Sự kiện được đánh giá là một bước tiến quan trọng giúp các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng nền tảng bảo mật vững chắc, hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành.
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, chỉ trong năm 2024 đã ghi nhận hơn 659.000 vụ tấn công mạng, ảnh hưởng đến 46,15% cơ quan, tổ chức tại Việt Nam. Tuy nhiên, có tới 52,89% đơn vị chưa trang bị đầy đủ các giải pháp công nghệ phòng thủ và 56,16% thiếu hụt nhân lực chuyên trách. Một báo cáo độc lập từ Cisco cũng cho thấy chỉ khoảng 11% doanh nghiệp Việt Nam đạt mức trưởng thành trong ứng phó sự cố an ninh mạng. Những con số này cho thấy nhu cầu cấp thiết về một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ và toàn diện.
Ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ thông tin liên quan đến an ninh mạng - Ảnh: VGP/HM
Chia sẻ tại lễ ra mắt, ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, đồng thời là Giám đốc Công nghệ và Kiến trúc sư trưởng hệ sinh thái NCS - cho biết: Đội ngũ đã cập nhật gần 300 kỹ thuật tấn công mạng phổ biến và huấn luyện 12 mô hình AI chuyên biệt, giúp tăng khả năng nhận diện mối đe dọa và giảm thiểu sự phụ thuộc vào vận hành thủ công. Nhờ đó, các giải pháp của NCS có khả năng phản ứng nhanh hơn và chính xác hơn trước các tình huống tấn công ngày càng tinh vi.
Hệ sinh thái NCS được xây dựng theo triết lý kết hợp giữa công nghệ giám sát hiện đại, dữ liệu tình báo mạng phong phú và khả năng phân tích của trí tuệ nhân tạo. Các sản phẩm chủ lực bao gồm: tường lửa thế hệ mới NCS Next Generation Firewall, nền tảng tình báo an ninh mạng NCS TI, giải pháp bảo vệ điểm cuối NCS EDR và Trung tâm giám sát an ninh mạng NCS SOC - với các thành phần cốt lõi là hệ thống quản lý sự kiện an ninh mạng tập trung (SIEM) và nền tảng điều phối ứng phó sự cố (SOAR).
Trong đó, tường lửa NCS được thiết kế trên nền tảng vi xử lý x86, ứng dụng thuật toán tăng tốc để kiểm soát đến tầng ứng dụng với băng thông lên tới 300 Gbps tại cửa ngõ hệ thống mạng. Công nghệ phân tích sâu gói tin (DPI) cho phép đọc trực tiếp, xử lý và truyền dữ liệu mà không cần sao chép, giúp hệ thống xử lý hàng chục triệu gói tin mỗi giây. Sản phẩm này tích hợp nhiều tính năng hiện đại như phát hiện xâm nhập (IPS), kiểm soát ứng dụng, ngăn chặn mã độc và lọc truy cập theo quy tắc linh hoạt.
Nền tảng tình báo NCS TI đóng vai trò như một lớp phòng thủ chủ động, cho phép phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa từ sớm nhờ vào kho dữ liệu tình báo mạng được cập nhật liên tục. Trong khi đó, giải pháp an ninh điểm cuối NCS EDR được phát triển theo triết lý “tất cả trong một”, tích hợp đầy đủ chức năng từ diệt virus, kiểm soát truy cập, ngăn thất thoát dữ liệu (DLP), chống mã hóa dữ liệu, tường lửa cá nhân đến khả năng điều tra và phản ứng sự cố, tất cả trong một giao diện trực quan, dễ sử dụng.
Đặc biệt, các thành phần trong hệ sinh thái đều được xây dựng theo tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế và Việt Nam. Ông Vũ Duy Hiền - Tổng Giám đốc NCS - nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Hệ sinh thái này không chỉ là giải pháp bảo vệ, mà còn là nền tảng để nâng cao nội lực công nghệ quốc gia và tiến tới làm chủ công nghệ an ninh mạng một cách bền vững.”
Sự ra đời của hệ sinh thái an ninh mạng NCS không chỉ giúp các tổ chức, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bảo vệ dữ liệu và hạ tầng công nghệ, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ thành quả của quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam. Các giải pháp Make in Vietnam như NCS được kỳ vọng sẽ là lực đẩy quan trọng trong việc phát triển công nghiệp an ninh mạng quốc gia, từng bước xây dựng năng lực tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phức tạp, tội phạm công nghệ cao gia tăng và các lỗ hổng bảo mật liên tục bị khai thác, việc đầu tư xây dựng một hệ sinh thái bảo vệ chủ quyền số là vô cùng cần thiết. Với việc ra mắt hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng ứng dụng AI, NCS đã cho thấy tiềm năng lớn của công nghệ nội địa trong việc bảo vệ an toàn, an ninh mạng – yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số hóa toàn diện hiện nay./.
Nguyễn Hải (TH)