image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thực trạng xây dựng và vận hành IOC Nghệ An
Phát triển Đô thị thông minh (ĐTTM) được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018 với Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế. Nhằm thực hiện những mục tiêu đó, trong nhiều năm qua tỉnh Nghệ An đã tập trung mục tiêu hoàn thiện hạ tầng số, phát triển các hệ thống thông tin, CSDL dùng chung và chuyên ngành, xây dựng các nền tảng số, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó triển khai xây dựng và phát triển Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được xác định là nhiệm vụ quan trọng được các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Hội thảo xây dựng vận hành Trung tâm Giám sát - Điều hành Thông minh tỉnh Nghệ An
Về cơ sở pháp lý
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Nghệ An ban hành các văn bản pháp lý có liên quan đến mô hình, kiến trúc đô thị thông minh, trung tâm giám sát, điều hành thông minh: Mô hình đô thị thông minh; Về kiến trúc ICT đô thị thông minh và về cơ chế vận hành IOC. Tuy nhiên hiện tại tỉnh Nghệ An vẫn chưa ban hành được các bộ chỉ tiêu, tiêu chí đáp ứng yêu cầu giám sát và điều hành IOC.
Xây dựng và vận hành IOC Nghệ An là nhiệm vụ được Đảng và các cấp chính quyền quan tâm, chỉ đạo thực hiện
Về nhân lực chung và cho vận hành IOC
Nhân lực chung về CNTT trong các cơ quan nhà nước tỉnh Nghệ An có 100% cán bộ có kiến thức cơ bản về CNTT; sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng văn phòng trên máy vi tính phục vụ cho công tác chuyên môn. Hiện toàn tỉnh có 91 cán bộ, công chức, viên chức hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực CNTT tại các cơ quan, trong đó có 73 cán bộ chuyên trách tại các sở ban ngành, số cán bộ chuyên trách tại các huyện, thị xã, thành phố là 18 cán bộ. Trong đó sau đại học là 32 người; Đại học là 58 người; Cao đẳng là 1 người.
Trong thời gian thí điểm vận hành IOC, chưa có nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp để bố trí thực hiện nhiệm vụ ở IOC đạt yêu cầu vị trí việc làm, mới bố trí 02 nhân sự kiêm nhiệm tại NgheanIOC thuộc Trung tâm Khoa học công nghệ và Truyền thông (trước đây là Trung tâm CNTT và Truyền thông) và chưa có nhân sự các đơn vị, sở ngành liên quan thực hiện những nhiệm vụ chuyên trách được phân công theo lĩnh vực phụ trách tại Trung tâm NgheanIOC.
Những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai
Sau khi hình thành Trung tâm IOC trong thí điểm Giai đoạn I theo Kế hoạch số 694/KH-UBND của UBND tỉnh, tỉnh Nghệ An tổ chức phân tích, thống nhất các nội dung thí điểm giám sát, điều hành; hoàn thiện hệ thống các phân hệ trên IOC để kết nối dữ liệu, bao gồm: Kinh tế - Xã hội, Hành chính công, Hệ thống quản lý văn bản điện tử, Hệ thống điều hành Y tế, Hệ thống điều hành Giáo dục, Hệ thống Quản lý phản ánh và tương tác trực tuyến, Hệ thống Du lịch, Hệ thống giám sát An toàn thông tin và Giám sát An ninh trật tự và An toàn giao thông.
Ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở KH&CN khẳng định, Nghệ An sẵn sàng tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSDL đảm bảo “Đúng, đủ, sạch, sống” sẵn sàng kết nối vào NgheAn IOC
Trong đó có 5 phân hệ lấy số liệu online gồm Hành chính công, Hệ thống Quản lý văn bản điện tử, Hệ thống điều hành Y tế, Hệ thống điều hành Giáo dục và Hệ thống quản lý phản ánh và tương tác trực tuyến. Có 02 phân hệ hiện đang cập nhật số liệu thủ công gồm Kinh tế - Xã hội và Hệ thống Du lịch. Có 01 phân hệ có dữ liệu mô phỏng là Giám sát An ninh trật tự và An toàn giao thông và 01 phân hệ sẵn sàng để kết nối là Hệ thống giám sát An toàn thông tin (SOC).
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành liên thông 4 cấp - Quản lý văn bản điện tử, giám sát 7 nội dung. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC - Hành chính công, giám sát 8 nội dung. Các chức năng phần mềm của phân hệ đã cơ bản hiển thị thông tin cần giám sát. Hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội, gắn với hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, Giám sát và điều hành chỉ tiêu báo cáo, thống kê (Kinh tế xã hội)
Giám sát điều hành lĩnh vực y tế - Hệ thống điều hành Y tế, giám sát 7 nội dung. Dữ liệu được cập nhật từ Cổng dữ liệu Y tế của Bộ Y tế (https://congdulieuyte.vn). Các chức năng của phân hệ đã hiện thị các số liệu giám sát các chỉ số trong lĩnh vực Y tế. Dữ liệu được cập nhật từ Cổng dữ liệu Y tế của Bộ Y tế. Giám sát điều hành lĩnh vực giáo dục (Hệ thống điều hành Giáo dục), giám sát 6 nội dung. Dữ liệu được cập nhật từ Hệ thống Quản lý trường học vnEdu theo chu kỳ năm học.
Giám sát tương tác phục vụ, phản hồi của người dân - Hệ thống Quản lý và phản ánh tương tác trực tuyến, giám sát 2 nội dung, gồm Giám sát các phản ánh kiến nghị của người dân với chính quyền và Thống kê số lượng phản ánh kiến nghị và kết quả xử lý.
Giám sát camera thông minh - Giám sát anh ninh trật tự và an toàn giao thông: Dữ liệu được quay giả lập tại thời điểm xây dựng IOC. Hệ thống đã sẵn sàng cho việc tích hợp và chia sẻ dữ liệu. Đến thời điểm hiện tại VNPT đã dừng chức năng này do chưa có đầu vào hệ thống camera, Công an tỉnh hiện đang quản lý hệ thống 19 camera giám sát an ninh công cộng do UBND tỉnh đầu tư, các camera này đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để kết nối vào hệ thống đồng thời đã sẵn sàng kết nối. Đã kết nối thử nghiệm 02 camera trực tiếp từ Công an tỉnh sang Trung tâm IOC, tuy nhiên mới kết nối về tín hiệu hình ảnh chứ chưa kết nối với hệ thống phần mềm IOC.
Giám sát điều hành du lịch - Hệ thống du lịch, giám sát nội dung Thống kê tình hình du lịch toàn tỉnh và Bản đồ các điểm du lịch tỉnh Nghệ An
Các hệ thống thông tin dùng chung quan trọng phục vụ xây dựng chính quyền số, quản trị số gồm: Phần mềm quản lý văn bản VNPT Ioffice; Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính VNPT iGate; Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); Hệ thống thư công vụ của tỉnh; Ứng dụng chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ; Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) tỉnh Nghệ An; Hệ thống Thông tin báo cáo cấp tỉnh; Hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; Hệ thống Quản lý tổ chức bộ máy và CBCCVC, người lao động trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Nghệ An.
 Về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, dịch vụ dùng chung toàn tỉnh, đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; hoàn thành kết nối kỹ thuật từ LGSP tỉnh tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để kết nối cơ sở dữ liệu các ngành vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đã đưa vào vận hành Kho dữ liệu dùng chung tỉnh Nghệ An theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ, kết nối cơ sở dữ liệu các ngành, lĩnh vực, địa phương (data.nghean.gov.vn).
Hiện tại, tỉnh Nghệ An chưa xây dựng Trung tâm dữ liệu. Các hệ thống thông tin phục chính quyền số của tỉnh chủ yếu hoạt động trên nền tảng thuê máy chủ điện toán đám mây của doanh nghiệp trong nước theo định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về ưu tiên thuê dịch vụ. Mạng WAN đã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng cho 100% cơ quan Đảng, Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã, liên thông với mạng truyền số liệu chuyên dùng của Trung ương. Mạng LAN: 100% các cơ quan nhà nước đều có mạng LAN, kết nối mạng WAN (TSLCD) và internet.
Các dữ liệu cơ bản đã xây dựng, khai thác hiệu quả gồm, CSDL quốc gia về dân cư theo Đề án 06/CP; CSDL xây dựng chính quyền số (từ 10 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; CSDL một số lĩnh vực của các ngành: BHXH, Giáo dục, Y tế, Nội vụ,...); các CSDL ngành đang tổ chức xây dựng năm 2025: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường, Công thương, Nội vụ, Xây dựng...
Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của nhiều địa phương trong nước, Nghệ An đã bước đầu trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng Trung tâm giám sát điều hành, thông minh tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 1, tại tầng 2 văn phòng UBND tỉnh Nghệ An đã được trang bị, lắp đặt Hệ thống màn hình điều khiển trung tâm (gồm 09 màn hình ghép loại 55 inch; 01 bộ điều khiển hình ảnh trung tâm; 09 khung giá treo màn hình ghép), hệ thống mạng, 10 bộ máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy quét, máy in, tủ rack, hệ thống tường lửa, đường truyền internet tốc độ 300Mbps (đang được tài trợ trong giai đoạn thí điểm), hệ thống âm thanh, chiếu sáng… Giai đoạn 2 đang duy trì các trang thiết bị, hạ tầng theo giai đoạn 1, sẵn sàng mở rộng cho giai đoạn tiếp theo. Đã hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An năm 2020.
Qua quá trình triển khai thực tế cho thấy nhận thức chung về Đô thị thông minh nói chung, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh nói riêng của các cấp lãnh đạo, địa phương từng bước được nâng cao, do đó, đã phần nào có sự quan tâm đầu tư, xây dựng. Đã tận dụng tốt các nguồn lực để xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, như thừa kế các hạ tầng thông tin hiện có, vận dụng được nguồn lực đầu tư từ các tập đoàn lớn tài trợ. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ nền móng cho đô thị thông minh từng bước được hình thành như các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng chính quyền số, các nền tảng về kinh tế số, xã hội số (TMĐT, thanh toán, y tế, giáo dục, du lịch...). Bước đầu xây dựng IOC, một số phân hệ đã được kết nối online, số liệu cập nhật liên tục, làm tiền đề cho việc xây dựng bài toán tổng thể phục vụ giám sát.
Một số hoạt động đã bước đầu có tác dụng hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo như dữ liệu báo cáo KTXH, các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số, hệ thống camera giám sát giao thông và hệ thống xử lý phản ánh tương tác hiện trường các địa phương…
Những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai
Quá trình triển khai thực hiện, nhận thức và kiến thức về đô thị thông minh, IOC là chưa đồng đều, do đó, chưa xác định được các mục tiêu, nhiệm vụ đối với ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý. Hệ thống các văn bản pháp lý về đô thị thông minh, IOC chưa hoàn thiện nên còn lúng túng trong triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh. Nhiều nhiệm vụ hiện đang thí điểm theo Đề án của Trung ương và của tỉnh, do đó chưa đúc kết được thực tiễn để hoàn thiện khung khổ pháp lý; Các văn bản pháp lý về chuyển đổi số chưa hoàn thiện, trong đó có khung pháp lý về báo cáo các chỉ tiêu thống kê về chuyển đổi số, đánh giá mức độ chuyển đối số, đầu tư ứng dụng CNTT/chuyển đổi số…
Về nhân lực và cơ sở vật chất, nhân lực vận hành IOC chỉ có 2 người kiêm nhiệm, không bảo đảm để quản trị vận hành hệ thống NgheanIOC. Việc vận hành hệ thống IOC ngoài quản trị kỹ thuật, cần có đội ngũ phân tích dữ liệu các ngành, lĩnh vực, từ đó đề xuất các nhóm nhiệm vụ hỗ trợ ra quyết định quản lý, điều hành cho lãnh đạo tỉnh. Về cơ sở vật chất, hệ thống chưa có các thiết bị phụ trợ chuyên sâu (máy chủ dự phòng, hệ thống lưu điện UPS lớn, phòng thao tác PCCC, thiết bị giám sát bổ trợ) để đảm bảo an toàn, ổn định khi đi vào vận hành chính thức.
Về cơ sở dữ liệu, CDSL các ngành, lĩnh vực còn rời rạc, chia sẻ yếu. Các cơ quan chuyên ngành chưa tích cực cung cấp dữ liệu liên tục cho IOC. Dữ liệu hiện phân tán ở nhiều hệ thống, phần mềm của sở, ngành, địa phương nhưng chưa có cơ chế liên thông. Nhiều dữ liệu đang cập nhật thủ công, thiếu thường xuyên, dẫn đến các luồng thông tin trong IOC bị gián đoạn, vai trò của Trung tâm trong chỉ đạo điều hành chưa phát huy được đầy đủ.
Về lãnh đạo, chỉ đạo, mặc dù đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và ban hành quy chế vận hành, tuy nhiên, các thành viên hoạt động kiêm nhiệm, nên việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại IOC gặp nhiều khó khăn, thiếu quyết liệt; hiệu quả xử lý và theo dõi các vụ việc phát sinh qua các phân hệ giám sát chưa đạt yêu cầu. Chưa có quy định cụ thể về cơ chế cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ IOC, cũng như quy chế phối hợp xử lý phản ánh - tương tác trực tuyến giữa người dân và chính quyền. Các phần mềm, hệ thống quản lý chuyên ngành chưa xây dựng mô đun chia sẻ dữ liệu để tích hợp vào IOC. Đồng thời, các chức năng của phần mềm IOC hiện tại vẫn ở bản dùng thử do nhà mạng hỗ trợ, nên chưa hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu giám sát toàn diện.
Đánh giá, việc thí điểm trong điều kiện Kiến trúc ICT xây dựng đô thị thông minh tỉnh Nghệ An chưa được ban hành phần nào ảnh hưởng đến việc tiếp cận, lựa chọn nội dung triển khai. Đô thị thông minh là lĩnh vực rộng lớn, mới và phức tạp; hệ thống các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là các văn bản hướng dẫn trọng tâm của các Bộ, ngành Trung ương theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chuẩn hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu chưa đầy đủ, do đó chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đủ điều kiện kết nối lên IOC.
Các chức năng phần mềm hỗ trợ từ các tập đoàn phục vụ thí điểm chưa hoàn thiện, do đó chưa đáp ứng các yêu cầu giám sát, điều hành. NgheanIOC hoạt động có hiệu quả khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu các ngành kết nối vào IOC. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu các ngành nhìn chung đang manh mún, chưa chuẩn hóa, chưa có cơ chế kết nối lên IOC. Cán bộ đầu mối và quản trị vận hành IOC của Sở Khoa học và Công Nghệ, các sở ngành có liên quan chưa được đào tạo, bồi dưỡng về đô thị thông minh theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí bố trí cho việc phát triển hạ tầng, xây dựng chính quyền số phục vụ xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế. Chưa có sơ kết việc thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đó, chưa rút ra được các bài học kinh nghiệm triển khai cũng như định hướng cho các năm tiếp theo của cả giai đoạn thực hiện.
Nguyên nhân chủ quan, nhận thức về đô thị thông minh chưa đồng đều, chưa đầy đủ ở các cấp, ngành; một số còn cho rằng, xây dựng đô thị thông minh là của một hoặc một số ngành, lĩnh vực, do đó chưa chủ động tham gia. Mặc dù hệ thống các quy chế đã được ban hành, trong đó phân công cụ thể cho các thành viên có liên quan, tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm phối hợp thực hiện. Nguồn nhân lực để vận hành, khai thác IOC còn thiếu và yếu. Vì vậy, để triển khai hiệu quả, cần sự quyết liệt từ các cấp Lãnh đạo cũng như sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, địa phương, người đứng đầu đơn vị, địa phương phải trực tiếp vào cuộc để xác định tầm nhìn, chiến lược dài hạn cho phát triển Đô thị thông minh tại đơn vị, địa phương. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai và giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai Đô thị thông minh để sau khi hoàn thành tổng thể, Trung tâm sẽ phát huy vai trò là hệ thống nền tảng, cốt lõi phục vụ cho sự hình thành một đô thị thông minh tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước./.
 
Bài: Lê Phương
Ảnh: Dương Hạnh

 

 Sửa  Xóa

 

 CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
Trụ sở: Số 75, Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Vinh, Nghệ An

 Điện thoại: 02383.844 500 - Fax: 02383.598.478 - Email: khcn@nghean.gov.vn