-
Đang online:
1
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|
21/05/2025
Tin nhắn rác, cuộc gọi rác - Nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn
Hiện nay, tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo, mời chào đầu tư, mua sản phẩm, thậm chí còn dẫn dụ, lừa đảo người dân, được gọi chung là "tin nhắn rác, cuộc gọi rác" đang gây rất nhiều phiền phức, bức xúc cho người dùng. Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng thực trạng này vẫn tồn tại và cần được giải quyết. Bài viết này chỉ ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp để ngăn chặn hiện trạng này.
Người dân vẫn bị làm phiền bởi hàng chục cuộc gọi rác mỗi ngày
Tin nhắn rác, cuộc gọi rác đến do đâu?
Hiện nay, việc thông tin cá nhân bị lộ lọt diễn ra khá phức tạp. Rất nhiều tổ chức, đơn vị thực hiện, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề từ ngân hàng, các công ty bảo hiểm đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, các ứng dụng mua sắm trực tuyến, thậm chí là cả các chuỗi cửa hàng thuốc… đều thu thập thông tin cá nhân của người dân. Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin khách hàng của mỗi đơn vị là khác nhau và không phải đơn vị nào cũng thực hiện đúng quy định. Nhiều doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho đối tác khác. Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết “bảo hành” và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua. Việc mua bán không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.
Hiện tượng sim rác, sim không chính chủ vẫn tồn tại. Lý do là vài năm trước, khi thị trường viễn thông truyền thống bước vào giai đoạn phát triển nóng, có hiện tượng các doanh nghiệp chạy đua về số lượng thuê bao di động để tăng thị phần. Vì thế, trong một thời gian dài, lượng SIM rác rất lớn đã được lưu hành trên thị trường. Các sim thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đều có đầy đủ thông tin thuê bao và là các sim đã tồn tại trong giai đoạn trước đây, do một bộ phận người dân đã đăng ký sim sau đó không dùng nữa. Người sử dụng sim không còn là người đứng tên khi đăng ký nhưng không thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao.
Bên cạnh đó, các nhà mạng ảo đang sử dụng phương thức online để đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng, nghĩa là khách hàng không cần đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập mà đăng ký thông qua các phần mềm do công ty xây dựng (qua App) hoặc thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) kết nối với nhân viên chăm sóc khách hàng để cung cấp thông tin và thực hiện các thủ tục đăng ký và kích hoạt thuê bao di động. Đây cũng là “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng thực hiện đăng ký và mua bán “sim rác”.
Ngoài ra, tin nhắn rác còn được phát tán thông qua 1 loại hình khác đó là trạm thu phát sóng di động (BTS) giả. Với mỗi thiết bị BTS giả, mỗi ngày có thể phát tán 70.000 tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Tiếp thị, quảng cáo qua điện thoại (telesale) là công việc bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thông qua điện thoại. Nhân viên telesale liên lạc với khách hàng theo danh sách đã được sàng lọc theo những tiêu chí nhất định để giới thiệu sản phẩm, mời gọi đầu tư, tham gia sự kiện để thuyết phục họ mua hàng và giải đáp các thắc mắc liên quan. So với các phương thức tiếp thị khác, tiếp thị qua điện thoại có chi phí thấp hơn, dễ dàng kiểm soát, đánh giá nhân viên, vì vậy được nhiều công ty, nhãn hàng lựa chọn.
Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu bài để thực hiện cuộc gọi “rác” (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call). Khi cơ quan quản lý nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.
Giải pháp nào cho tin nhắn rác, cuộc gọi rác?
Nhiều biện pháp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng triển khai như: Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh thuê bao di động, yêu cầu các nhà mạng ảo đã dừng việc đăng ký thông tin cho khách hàng qua ứng dụng; mở tổng đài tiếp nhận thông tin về cuộc gọi rác, tin nhắc rác để yêu cầu các nhà mạng xử lý… đồng thời mạnh tay xử lý những cá nhân, đơn vị có hành vi phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác.
Tháng 11/2024, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Viễn thông tin học Việt Nam về hành vi thực hiện cuộc gọi rác với mục đích bôi nhọ, quấy rối, đòi nợ. Số tiền mà công ty này phải nộp phạt là 70 triệu đồng. Ngoài ra, với hành vi trên, Công ty Cổ phần Viễn thông tin học Việt Nam sẽ bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ trong 2 tháng.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Cục An toàn thông tin thu hồi 6 tên định danh của một số doanh nghiệp quảng cáo vì đã có hành vi phát tán tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Trong đó, 4 tên định danh của Công ty cổ phần Giải pháp CNTT quốc tế ITS và 2 tên định danh của Công ty cổ phần Power Membership Card.
Vào tháng 4/2024, ba nhà mạng Viettel, CMC Telecom, FPT Telecom bị phạt mỗi đơn vị 140 triệu đồng vì vi phạm quy định tại điều 9 của Nghị định 91 về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác, bị đánh giá "chưa thực hiện triệt để biện pháp ngăn chặn cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo Do Not Call (DCN)".
Để bảo vệ thông tin cá nhân, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ đã có chế tài hành chính. Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nêu rõ quy định về thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân …
Mặc dù Cục Viễn thông, Cục An toàn Thông tin, Thanh tra Bộ và các nhà mạng đã rất tích cực triển khai các giải pháp như trên và đạt được kết quả rất tốt; mặc dù pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện nay đã có các quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tồn tại.
Để hạn chế, ngăn ngừa tin nhắn rác, cuộc gọi rác, người viết đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, về việc mua bán dữ liệu cá nhân: Nghị định 15/2020/NĐ-CP chưa bảo đảm đầy đủ, toàn diện để làm cơ sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm không thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, tần số vô tuyến điện, thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như: khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nêu rõ quy định về thu thập, chuyển giao, mua, bán trái phép dữ liệu cá nhân. Nghị định số 13 bảo vệ dữ liệu cá nhân tập trung những vấn đề pháp lý về các cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc kiểm soát và bảo vệ dữ liệu. Tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu để ngăn chặn tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ hệ thống, trang thiết bị dịch vụ của mình.
Tuy nhiên, Nghị định 13 vẫn ở mức sơ khởi và nó vừa mới được ban hành. Các doanh nghiệp hiện cũng chưa có một bộ phận chuyên trách, người am hiểu về các bước tuân thủ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Chế tài xử lý DLCN hiện tại cũng chưa có. Do vậy, việc bổ sung, sửa đổi, tập trung thống nhất các chế tài xử lý vi phạm để đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ DLCN, cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ DLCN là cần thiết.
Thứ hai, sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng ảo có biện pháp mạnh để nhằm xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, các nhà mạng khẳng định đã tuân thủ trong việc ngừng phát triển thuê bao tại hệ thống kênh đại lý; dừng toàn bộ các hoạt động phát triển thuê bao theo hình thức online.
Tuy nhiên, theo thống kê hiện vẫn còn cả chục triệu SIM nằm trên kênh phân phối và các đại lý rất có thể sẽ tìm cơ hội nào đó để "bơm" SIM rác ra ngoài thị trường gây nhiễu loạn xã hội. Vì vậy, đề nghị Bộ TT&TT có các biện pháp quản lý cần thiết để bắt buộc các SIM này phải có thông tin người thật, sử dụng thật.
Nói đi thì phải nói lại, không phải cái gì không quản được thì cấm. Với những biện pháp tức thời để “cắt” nhanh căn bệnh SIM rác đang gây nhiều hệ lụy xã hội thì bài toán quản lý dài hơi cũng cần tính đến để vừa tạo điều kiện cho nhà mạng ảo phát triển thuê bao, vừa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ. Việc đăng ký thông tin thuê bao qua kênh online có kiểm soát là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, bởi nó đem lại sự tiện lợi cho cả nhà mạng và người sử dụng.
Vì vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành các quy định về pháp luật cho các nhà mạng ảo thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao cho khách hàng bằng phương thức ONLINE. Tuy nhiên, các nhà mạng phải đảm bảo những điều kiện như phải kết nối để đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư cùa Bộ Công an khi khách hàng đăng ký thuê bao mới. Bên cạnh đó, nhà mạng phải sử dụng giải pháp eKYC để xác thực người dùng; mỗi CCCD chỉ được đăng ký tối đa 3 SIM. Nếu cần thiết, Bộ TT&TT có thể yêu cầu nhà mạng phải tiến hành thêm bước nữa là sử dụng video call để kiểm tra có đúng người chính chủ đăng ký SIM hay không.
Thứ ba, cần có giải pháp với việc phát tán tin nhắn rác thông qua trạm BTS giả. Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều cuộc gọi rác xuất phát từ trạm BTS giả.
Thứ tư, việc định danh (brandname) cho cuộc gọi, tin nhắn hiện đã được triển khai với các nhãn hàng, nhưng cần triển khai định danh đối với tất cả các đơn vị, cơ quan Nhà nước để người dùng dễ dàng nhận biết các cuộc gọi đến, tránh trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước để lừa đảo.
Thứ năm, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa trên những hình thức phù hợp (thông qua tin nhắn, mạng xã hội…) để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác và xử lý các trường hợp vi phạm. Việc này Cục An toàn Thông tin và các nhà mạng cũng đưa ra các giải pháp riêng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dùng và xử lý các trường hợp vi phạm thông qua các trang web chongthurac.vn, thongbaorac.ais.gov.vn; gọi điện hoặc nhắn tin đến tổng đài … nhưng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa để hầu hết người dân nắm được thông tin. Và đặc biệt, đối với việc xử lý vi phạm thì cần tăng cường tuyên truyền để mang tính “răn đe”, cảnh báo rộng rãi.
Thứ sáu, mỗi người dùng cần chủ động bảo vệ mình bằng các biện pháp như: Sử dụng mật khẩu mạnh và duy nhất cho mỗi tài khoản; kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA); Cẩn thận với các liên kết và email lạ, sử dụng phần mềm bảo mật; Kiểm tra và theo dõi các tài khoản. Đặc biệt, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội và hãy cảnh giác với các dấu hiệu lừa đảo bằng cách thận trọng với các tin nhắn hoặc yêu cầu kết bạn có dấu hiệu lừa đảo, kiểm tra kỹ trước khi chấp nhận lời mời kết bạn./.
Nguyễn Nữ Lan Oanh
Chánh thanh tra Sở KH&CN Nghệ An
|
|