image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Luật Dữ liệu Việt Nam chính thức có hiệu lực, đặt nền móng cho nền kinh tế số phát triển bền vững
Từ ngày 1/7/2025, Luật Dữ liệu (Luật số 60/2024/QH15) chính thức có hiệu lực thi hành sau khi được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua. Đây là đạo luật chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam về dữ liệu số, gồm 5 chương và 46 điều, điều chỉnh toàn diện các hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu số trong nước, đồng thời tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc thúc đẩy kinh tế số và xã hội số.
Một trong những điểm nổi bật của Luật là việc thành lập Trung tâm Dữ liệu Quốc gia và xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, nhằm tập trung, chuẩn hóa và bảo vệ dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển đất nước. Trung tâm này sẽ được thiết kế theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quốc tế; đảm bảo an toàn trước các nguy cơ thiên tai, tấn công mạng, đồng thời thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Luật cũng quy định nhiều giải pháp bảo mật nghiêm ngặt như thiết kế hệ thống có dự phòng mở rộng, giám sát an ninh mạng chủ động, nhằm ngăn chặn các hành vi đột nhập, phá hoại. Bên cạnh đó, Luật trao quyền tự chủ cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc triển khai bảo mật, chia sẻ dữ liệu, áp dụng cơ chế “hậu kiểm” thay vì “tiền kiểm”, góp phần giảm gánh nặng thủ tục hành chính và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu. (Ảnh: MINH HÀ- nhandan.vn)

Một thay đổi đáng chú ý là việc sử dụng định danh cá nhân thay thế mã số thuế và nhiều thủ tục khác, giúp thống nhất dữ liệu, chuẩn hóa xác thực điện tử, phòng chống gian lận trong giao dịch trực tuyến. Luật áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xử lý dữ liệu liên quan đến Việt Nam.
Đặc biệt, trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh hoặc đe dọa an ninh quốc gia, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu mà không cần sự đồng thuận của chủ thể dữ liệu, song vẫn phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật, bảo đảm quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân.
Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025 về thành lập Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia, với vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng do Bộ Công an quản lý. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển hạ tầng dữ liệu, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain… đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo, nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước đang tích cực đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực và hoàn thiện quy trình bảo mật để sẵn sàng tuân thủ Luật Dữ liệu, đồng thời xem đây là cơ hội để phát triển sản phẩm, dịch vụ dữ liệu phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số quốc gia.
Luật cũng quy định rõ các nguyên tắc về phân loại dữ liệu, chính sách bảo vệ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu họ quản lý. Đây được đánh giá là bước đi chiến lược trong việc đưa dữ liệu trở thành “tài nguyên quốc gia” trong kỷ nguyên số, tạo ra môi trường minh bạch, an toàn và hiệu quả để khai thác, sử dụng dữ liệu cho mục tiêu phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhận định, với việc Luật Dữ liệu chính thức đi vào cuộc sống, Việt Nam đang tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030, trong đó dữ liệu đóng vai trò như “nhiên liệu mới” cho mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội và quản trị quốc gia./.
Nguyễn Hải (TH)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
Trụ sở: Số 75, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Thành Vinh, tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 02383.844 500 - Fax: 02383.598.478 - Email: khcn@nghean.gov.vn