image banner
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thách thức và giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam
Việt Nam đối mặt với bài toán nhân lực công nghệ thông tin (IT)
Theo thống kê từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với hơn 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần tới 3 triệu nhân sự IT. Đây là một thách thức lớn khi nguồn nhân lực hiện tại vừa thiếu về chất lượng, vừa chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của thị trường.

Khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn
Ngành IT tại Việt Nam được đánh giá là một trong những lĩnh vực có mức lương hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng trong nước đào tạo khoảng 50.000 nhân lực IT, nhưng chỉ 30% trong số này đáp ứng ngay được yêu cầu công việc. 70% còn lại cần trải qua quá trình đào tạo bổ sung để thành thạo các kỹ năng thực hành trước khi tham gia các dự án thực tế.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Có một sự vênh khá lớn giữa kiến thức được giảng dạy tại trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo và nhu cầu thị trường lao động vẫn chưa thực sự ăn khớp”.
Câu chuyện của Nguyễn Tiến Anh, một sinh viên tốt nghiệp ngành IT tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, là minh chứng rõ nét. Anh chia sẻ: “Khi đi xin việc, hầu hết các công ty đều yêu cầu kinh nghiệm từ 1-2 năm, trong khi sinh viên mới ra trường như chúng tôi chủ yếu được học lý thuyết, kỹ năng thực hành còn yếu. Việc cập nhật công nghệ mới cũng là một thách thức lớn”.

Học viên Aptech được hướng dẫn làm dự án thực tế (Ảnh sưu tầm)

Thách thức kép: Vừa thừa, vừa thiếu
Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô 74 tỷ USD vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về nhân lực IT chất lượng cao ngày càng cấp thiết. Việt Nam từ lâu được biết đến với lợi thế nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, yêu cầu về lao động có trình độ chuyên môn sâu, kỹ năng thực tiễn đang trở thành điểm nghẽn. Nguồn nhân lực IT hiện tại rơi vào tình trạng “vừa thừa về số lượng, vừa thiếu về chất lượng”.
Nguyên nhân chính nằm ở chương trình đào tạo chưa phù hợp. Nội dung giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục chưa được cập nhật kịp thời để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Bên cạnh đó, việc thiếu các chương trình thực hành thực tế và tư vấn hướng nghiệp từ sớm khiến sinh viên gặp khó khăn khi bước vào thị trường lao động cạnh tranh.
Giải pháp đổi mới đào tạo và hợp tác doanh nghiệp
Để giải quyết bài toán nhân lực IT, nhiều doanh nghiệp và tổ chức giáo dục đã bắt đầu triển khai các giải pháp sáng tạo. Các chương trình đào tạo thực tiễn, kết hợp giữa lý thuyết và trải nghiệm thực tế, đang được đẩy mạnh.
Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech là một ví dụ điển hình. Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Aptech, cho biết: “Chúng tôi tổ chức các sân chơi công nghệ để mang đến trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên. Đây là cách giúp các bạn trẻ không bị tụt hậu trước xu hướng công nghệ toàn cầu”. Các chương trình này không chỉ giúp sinh viên thực hành kỹ năng mà còn tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm nhân tài phù hợp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp IT đã chủ động tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp và chương trình thực tập, giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là cách tiếp cận “đôi bên cùng có lợi”, vừa giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự chất lượng, vừa tạo cơ hội cho các bạn trẻ trau dồi kỹ năng.
Tầm nhìn cho tương lai
Ngành IT toàn cầu được dự báo sẽ đạt quy mô 2 nghìn tỷ USD vào năm 2028, với gần 100 triệu lao động. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và xu hướng hội nhập công nghệ, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nhân lực IT. Việc xây dựng các chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, cùng với việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, sẽ là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn nhân lực IT của Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng và tố chất. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, cần có sự đầu tư bài bản về kiến thức, kỹ năng và môi trường thực hành. Chỉ khi giải quyết được bài toán này, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa cơ hội từ nền kinh tế số, khẳng định vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu./.
Xuân Minh (TH)

 CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN

Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
Trụ sở: Số 75, Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Vinh, Nghệ An

 Điện thoại: 02383.844 500 - Fax: 02383.598.478 - Email: khcn@nghean.gov.vn