image banner
Thông báo
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Nghệ An ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 05/08/2022, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Dự thảo Nghị quyết được chia thành 4 mục lớn, đảm bảo theo đúng kết cấu của Nghị quyết, cụ thể:

Mục I-Đánh giá tình hình.

Mục II-Quan điểm, mục tiêu (phần mục tiêu có mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể).

Mục III-Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm (có 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 6 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030).

Mục IV- Tổ chức thực hiện (giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan).

Về đánh giá tình hình, nghị quyết nêu rõ: những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin từng bước được đầu tư và hiện đại hóa. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dần được hình thành, tạo cơ sở để kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung. Các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử của tỉnh thường xuyên đạt mức khá của cả nước.

Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số; các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác chưa cao. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội còn hạn chế. Nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn bị động và chưa được quan tâm đúng mức.

Những hạn chế nêu trên chủ yếu do: Nhận thức, hiểu biết về chuyển đổi số của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ; chưa chủ động, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi thói quen, tư duy và hành động để đổi mới phương thức, quy trình, mô hình hoạt động và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Thể chế và quản lý nhà nước về chuyển đổi số chưa theo kịp tình hình thực tiễn. Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

          Với những đánh giá tình hình nêu trên, Nghị quyết đã chỉ rõ các quan điểm sau: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự tham gia của toàn dân. Doanh nghiệp, người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân. Chuyển đổi số cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí nguồn lực; đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn trong từng thời kỳ, từng ngành, lĩnh vực.

          Với quan điểm trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là: Chuyển đổi số hướng đến thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số; gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vị trí thuộc nhóm 25 - 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chuyển đổi số.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Về chính quyền số

+ 100% cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.

+ 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số; 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.

+ Triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến quốc gia.

+ Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, hồ sơ công việc có nội dung mật).

+ 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được thực hiện trực tuyến và liên thông với hệ thống báo cáo quốc gia.

+ 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các ban, sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.

- Về kinh tế số

+ Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.

+ Từ 80% người dân 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

+ Phấn đấu có ít nhất từ 01 đến 02 cơ sở giáo dục triển khai đào tạo về thương mại điện tử; trên 3.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh, cán bộ công chức, viên chức, sinh viên, thanh niên khởi nghiệp được tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về thực thi pháp luật và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Từng bước hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số và hợp tác xã số.

+ 100% hộ sản xuất nông nghiệp được lập danh sách và chuẩn hóa, số hóa dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Về xã hội số

+ Trên 50% người dùng thiết bị đầu cuối thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

+ 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

+ Triển khai thí điểm và nhân rộng các dịch vụ số (y tế, giáo dục, giao thông, an ninh, trật tự, du lịch…) thuộc hệ thống dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp và kết nối với Trung ương; hoạt động giao dịch giữa các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản được thực hiện trên các nền tảng công nghệ số.

- 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 85% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước, hồ sơ công việc có nội dung mật).

- 100% doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành, sản xuất và kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số.

- Phát triển, nhân rộng các dịch vụ đô thị thông minh đến các trung tâm đô thị của tỉnh.

- Trên 80% người dùng điện thoại, thiết bị thông minh được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

- 80% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Dự thảo Nghị quyết xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 6 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

2. Phát triển hạ tầng số

3. Phát triển nhân lực chuyển đổi số

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp

5. Phát triển kinh tế số

6. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng

7. Một số lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

- Tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Quản lý hành chính, nông nghiệp, công thương, văn hóa và du lịch, giao thông vận tải và logistics, an ninh trật tự, an toàn giao thông.

- Người đứng đầu các ban, sở, ngành, cơ quan, địa phương trực tiếp chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện chuyển đổi số ở đơn vị, địa phương.

Về tổ chức thực hiện

Gồm các nội dung về phân công chỉ đạo quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa, thể chế hóa, triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết theo định kỳ.

Tài liệu kèm theo: Toàn văn Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/08/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Trương Minh Hợi - Sở TT&TT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN