image banner
Thông báo
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thông báo về việc đề xuất đề tài, dự án khoa học và công nghệ năm 2016

UBND TỈNH NGHỆ AN

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Số: 217 /TB -KHCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Nghệ An, ngày 18 tháng 3 năm 2015

THÔNG BÁO CỦA GIÁM ĐỐC SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGHỆ AN

Về việc đề xuất đề tài, dự án khoa học và công nghệ năm 2016

Thực hiện Quyết định số 49/2013/QĐ-UBND ngày 3/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về “Ban hành Quy định Quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh”, nhằm tranh thủ sự đóng góp trí tuệ của cán bộ khoa học và công nghệ trong cả nước cho hoạt động KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đề xuất các đề tài, dự án cần thực hiện trong năm 2016. Các đề xuất tập trung vào các định hướng ưu tiên cho các lĩnh vực trọng điểm sau đây:

1. Lĩnh vực nông nghiệp

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây, con có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khi hậu, thích ứng với khí hậu đặc thù của vùng; Ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất các chế phẩm sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

- Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản. Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế cho các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ yếu của tỉnh.

- Ứng dụng các TBKH&CN trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, năng suất cao và chất lượng cạnh tranh.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Lựa chọn 1 số sản phẩm chủ lực có quy mô sản xuất lớn, phát triển thành hàng hóa để đầu tư chuỗi giá trị từ khâu giống, thâm canh, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người dân

- Bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen các loài cây, con đặc sản, đặc hữu thuộc loại quý hiếm hoặc có giá trị kinh tế cao của tỉnh Nghệ An.

- Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong phát triển và khai thác hợp lý tài nguyên rừng.

2. Lĩnh vực y dược

- Khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh trong cộng đồng.

- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến mô hình bệnh tật ở người. Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh.

- Ứng dụng các phương pháp khoa học, công nghệ của y học hiện đại, kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

- Nghiên cứu tiếp thu ứng dụng CNSH phục vụ trong chẩn đoán và điều trị bệnh; công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm để giải quyết vấn đề vô sinh; các thành tựu về công nghệ di truyền, y sinh học phân tử, công nghệ nuôi cấy mô làm thuốc và phục vụ khám chữa bệnh, sản xuất thuốc và sinh phẩm y tế.

- Quy hoạch nuôi trồng, khai thác, chế biến các vùng dược liệu tại các địa bàn có thế mạnh về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các cây, con làm thuốc.

- Nghiên cứu, đầu tư, tiếp thu, ứng dụng CNSH trong sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng mang thương hiệu Nghệ An từ các loài cây thuốc có ở Nghệ An.

- Nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc dân gian, cổ truyền phục vụ khám chữa bệnh trong nhân dân.

3. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

- Tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội tỉnh; Về kinh tế vùng và các vùng kinh tế; các loại hình tổ chức kinh tế; phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh trong nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển sinh kế cho người dân, công tác xóa đói giảm nghèo.

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp; điều tra khảo sát nhu cầu, phản hồi của doanh nghiệp về nền hành chính, chính sách, môi trường đầu tư...

- Nghiên cứu các vấn đề về tiềm năng thế mạnh và môi trường đầu tư, môi trường xã hội của Nghệ An

- Nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống – lịch sử - văn hoá của Nghệ An; Vấn đề phát huy nguồn lực con người Nghệ An.

- Nghiên cứu, đánh giá các vấn đề biến đổi cơ cấu xã hội, phân hoá giàu - nghèo, dân tộc, tôn giáo; văn hoá ứng xử với môi trường xã hội của đồng bào các dân tộc ít người đề xuất những giải pháp quản lý, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu và ứng dụng trong khoa học quản lý.

- Nghiên cứu một số vấn đề bức thiết, nổi cộm như: phát triển miền Tây Nghệ An; Văn hóa đô thị; Xây dựng nông thôn mới; Vấn đề giải phóng mặt bằng và hậu giải phóng mặt bằng; Vấn đề lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch...

- Nghiên cứu triển khai các giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội ảnh hưởng đến Quốc phòng - An ninh

- Ứng dụng các TBKH&CN nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo.

4. Lĩnh vực công nghệ cao

a. Công nghệ thông tin

- Phát triển các phần mềm ứng dụng và dịch vụ công theo chuẩn nhất quán, tích hợp thuận tiện các ứng dụng có sẵn và có thể liên thông kết nối với các ứng dụng.

- Ứng dụng CNTT trong quản lý các nguồn lợi tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, đô thị.

- Hình thành, phát triển môi trường giao dịch và thương mại điện tử thuận lợi, tin cậy. Tăng cường ứng dụng các chương trình tự động thiết kế trong lĩnh vực thiết kế bao bì, mẫu mã kiểu dáng, trong lĩnh vực thủy văn, thủy lợi, kiến trúc, xây dựng, thiết kế tàu thuyền,..

- Hiện đại hóa, ứng dụng CNTT trong các dịch vụ tài chính, ngân hàng và các dịch vụ phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

b. Công nghệ sinh học

- Công nghệ chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản cho năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh: Công nghệ tế bào, công nghệ vi nhân giống, Công nghệ gen và ưu thế lai.

- Công nghệ tách chiết và sản xuất protein sử dụng làm dược phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị cao.

- Chế phẩm sinh học đạt tiêu chuẩn quốc gia sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, dịch bệnh động thực vật.

c. Vật liệu mới và tự động hóa

- Nghiên cứu sử dụng các vật liệu mới có các tính năng kỹ thuật cao trong sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, y tế ; các loại thép đặc biệt, vật liệu từ tính, vật liệu quang học, vật liệu Compozit,...

- Công nghệ thiết kế, chế tạo các bộ vi xử lý, linh kiện điện tử kỹ thuật cao

- Công nghệ sản xuất vật liệu mới, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, sản xuất thép cao cấp, hợp kim, kim loại đặc biệt, sắt xốp.

- Công nghệ sản xuất linh hoạt (FMS) cho các sản phẩm có độ phức tạp cao. Công nghệ điều khiển độ chính xác gia công cơ khí.

- Ứng dụng công nghệ tổng hợp và tự động hoá quá trình trồng trọt, chăn nuôi.

- Khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu các tổ hợp vật liệu mới trong công nghiệp, xây dựng và dân dụng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, tự động hoá nhờ trợ giúp của máy tính (CAD) và các hệ CAM để thiết kế tự động kiểu dáng, mẫu mã trong ngành dệt may, giày dép; Sử dụng các chương trình tự động hoá thiết kế và tính toán trong thiết kế cơ khí, xây dựng công trình dân dụng, giao thông.

- Ứng dụng công nghệ điều khiển số bằng máy tính (CNC) trong các hệ máy móc cho các lĩnh vực gia công chế tạo.

- Ứng dụng rộng rãi công nghệ tự động hoá đo lường và xử lý thông tin phục vụ các ngành sản xuất, dự báo thời tiết và thiên tai, bảo vệ môi trường.

5. Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường

- Nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xây dựng phát triển, bảo tồn các hệ sinh thái đa dạng, khu dự trữ sinh quyển, các nguồn gen quý, tiến kiệm năng lượng.

- Ưu tiên chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

6. Đối với các huyện, thành phố và thị xã tập trung vào:

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ứng dụng KH&CN ở địa bàn nông thôn, miền núi nhằm liên kết với người dân.

- Áp dụng các TBKH&CN nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn,...nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Ứng dụng TBKH&CN để bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống, các đặc sản của các địa phương. Triển khai phong trào 100 sản phẩm từ nay đến 2020.

- Nhân rộng các mô hình, các TBKH&CN đã khẳng định ở các địa phương.

- Nghiên cứu chuyển giao các ngành, nghề mới.

- Nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các địa phương.

Nội dung đề xuất phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chính của từng lĩnh vực nêu trên và làm theo mẫu "Phiếu đề xuất đề tài, dự án khoa học và công nghệ"(Thông tin chi tiết được đăng báo Nghệ An, trang web: http//www.ngheandost.gov.vn)

Phiếu đề xuất đề tài, dự án gửi về địa chỉ: Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An -75 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Thời gian gửi Phiếu đề xuất đến hết ngày 20/4/2015.

Kính mong các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, các nhà quản lý các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia đề xuất đề tài, dự án đưa vào kế hoạch khoa học và công nghệ thực hiện trong năm 2016.

Giám Đốc

Trần Quốc Thành

Tải file đính kèm phiếu đề xuất đề tài khoa học tại đây !

Không có dữ liệu
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN