09/07/2025
5 luật mới thiết lập hành lang pháp lý cho khoa học công nghệ và chuyển đổi số
Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Quốc hội đã chính thức thông qua 5 luật mới có tính nền tảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây được xem là bước tiến quan trọng chỉ sau 4 tháng hợp nhất Bộ, thể hiện quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế lâu nay trong lĩnh vực này.
Năm luật vừa được thông qua gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Họp báo về 5 luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chiều 7/7. Ảnh: Chí Hiếu
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, mặc dù được khởi thảo từ 1-2 năm trước, nội dung của các luật đã được xây dựng lại gần như toàn diện, dựa trên tinh thần tiếp thu các chủ trương lớn trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Việc chỉnh sửa được thực hiện với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hướng tới cập nhật thực tiễn và giải quyết các rào cản pháp lý đang cản trở sự phát triển. “Làm xuyên đêm là chuyện bình thường”, Thứ trưởng chia sẻ về quá trình khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ đã làm rõ những điểm mới mang tính đột phá của từng luật. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần đầu tiên đặt đổi mới sáng tạo ngang hàng với khoa học công nghệ, thể hiện một tư duy phát triển mới, khơi dậy khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường dựa trên tri thức và sáng tạo.
Luật Công nghiệp công nghệ số là văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), tài sản số…, đồng thời chính thức hóa chương trình Make in Vietnam, thúc đẩy thiết kế, sản xuất trong nước và chuyển giao công nghệ.
Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đưa ra cách tiếp cận hiện đại, đổi mới toàn diện phương thức quản lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng.
Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển mô hình quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ hành chính sang quản lý rủi ro dựa trên dữ liệu và công nghệ, hướng tới minh bạch và trách nhiệm cao hơn từ phía doanh nghiệp.
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo lập khung pháp lý đồng bộ theo chuẩn quốc tế, xác định điện hạt nhân là chiến lược quốc gia để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải carbon.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Bộ sẽ ban hành đầy đủ nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo để các luật có thể đi vào thực tiễn ngay khi có hiệu lực. Cụ thể, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2025, còn Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2026, đồng bộ với các văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì xây dựng thêm 4 luật mới, gồm: Luật Chuyển đổi số, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Như vậy, tính riêng trong năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Quốc hội 9 luật – con số chưa từng có trong lịch sử ngành.
Cùng với ba luật quan trọng đã ban hành trước đó là Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Giao dịch điện tử, các văn bản pháp luật mới sẽ hình thành một hệ thống hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất và toàn diện cho sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – ba động lực then chốt trong tiến trình phát triển quốc gia thời kỳ mới./.
Trần Xuân (TH)