Bộ KH&CN tài trợ đề tài tiềm năng theo định hướng sản phẩm công nghệ chiến lược
Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam có thể
đăng ký thực hiện đề tài tiềm năng, theo định hướng phát triển sản phẩm công
nghệ chiến lược, do Quỹ NAFOSTED tài trợ.
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) - Bộ Khoa học
và Công nghệ (Bộ KH&CN) sẽ tài trợ cho các đề tài tiềm năng với các hướng
nghiên cứu thuộc danh mục 11 nhóm công nghệ chiến lược và 35 nhóm sản phẩm công
nghệ chiến lược theo Quyết định 1131 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6.
Trợ lý ảo giúp cán bộ công chức hỏi đáp về chính quyền hai cấp. Ảnh: Trọng
Đạt
Các nhóm công nghệ chiến lược và nhóm sản phẩm công nghệ chiến lược gồm:
Nhóm trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo/thực tế tăng cường với
sáu sản phẩm: mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo, AI chuyên ngành, AI
phân tích, bản sao số (Digital Twin) và vũ trụ ảo (Metaverse).
Nhóm điện toán đám mây - lượng tử - dữ liệu lớn gồm ba sản phẩm: dịch vụ
điện toán đám mây, điện toán và truyền thông lượng tử, trung tâm dữ liệu quy mô
lớn.
Nhóm blockchain tập trung vào tài sản số, tiền số, tiền mã hóa; hạ tầng
mạng blockchain và hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Nhóm mạng di động 5G/6G gồm thiết bị và giải pháp mạng truy cập vô tuyến
theo chuẩn ORAN, mạng lõi 5G/6G, giải pháp truyền dẫn IP tốc độ cao.
Nhóm robot và tự động hóa gồm robot di động tự hành, robot công nghiệp,
dây chuyền chế biến thực phẩm tiên tiến cho nông - lâm - thủy sản, hệ thống bảo
quản và giám sát chất lượng sau thu hoạch.
Nhóm chip bán dẫn gồm chip chuyên dụng, chip AI và chip IoT.
Nhóm y - sinh học tiên tiến tập trung vào vaccine thế hệ mới, liệu pháp
gen trong y tế và nông nghiệp, liệu pháp tế bào như tế bào gốc và tế bào miễn dịch.
Nhóm năng lượng và vật liệu tiên tiến gồm lò phản ứng hạt nhân nhỏ an
toàn, pin lithium-ion và pin thể rắn, nhiên liệu và điện phân, vật liệu tiên tiến.
Nhóm đất hiếm - đại dương - lòng đất gồm hệ thống đánh giá trữ lượng,
khai thác và tinh chế đất hiếm, công nghệ thăm dò địa chất thông minh, giải
pháp khai thác biển sâu, công nghệ khai thác năng lượng ngoài khơi.
Nhóm an ninh mạng gồm giải pháp tường lửa và hệ thống bảo đảm an ninh
cho hạ tầng trọng yếu, cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nhóm công nghệ hàng không, vũ trụ gồm vệ tinh viễn thám và viễn thông tầm
thấp, trạm mặt đất và điều khiển vệ tinh, thiết bị bay không người lái.
Phòng sạch, Trung tâm Nano và Năng lượng, trường Đại học Khoa học Tự
nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi đào tạo và nghiên cứu về bán dẫn. Ảnh: Giang
Huy
Các tổ chức và cá nhân đang hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt
Nam có thể nộp hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài. Thời gian tiếp nhận hồ sơ chia
thành hai đợt. Đợt 1 từ 8/7 đến trước 17h ngày 22/7 và đợt 2 kết thúc trước 17h
ngày 8/8.
Kết quả tài trợ sẽ được thông báo trong tháng 8 và 9.
Hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại cổng một cửa của Bộ Khoa học và Công nghệ,
hoặc trực tuyến qua hệ thống
quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Quỹ NAFOSTED và Cổng sáng kiến Việt.
Chia sẻ với lãnh đạo các đơn vị hồi tháng 5, Bộ trưởng Khoa học và Công
nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, con đường phát triển công nghệ của Việt Nam phải
thông qua làm chủ các "sản phẩm chiến lược", bởi sản phẩm rất tường
minh, giải được bài toán Việt Nam, đồng thời đem lại giá trị thực tế.
Bộ trưởng mong muốn cách làm công nghệ của Việt Nam phải sinh ra kết quả
thực tế là những vệ tinh, tên lửa, robot, hay lập ra ngành công nghiệp
drone..., tức làm chủ các sản phẩm cụ thể để phục vụ Việt Nam, thay vì tư duy
làm công nghệ theo kiểu "đề tài" như cách cũ.
Theo VNE