30/08/2024
Hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện năm 2024 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Năm 2024, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp huyện của tỉnh Nghệ An đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng. Từ việc nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức các hội thảo khoa học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đến việc triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, các huyện đã tạo ra bước tiến rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Sở KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao hiệu quả quản lý KH&CN cấp huyện trong năm 2024. Lãnh đạo Sở chỉ đạo và hướng dẫn các huyện tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh về phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và đề xuất danh mục nghiên cứu cho năm 2024 và 2025. Các huyện đã tổ chức 17 hội thảo khoa học, chủ yếu đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và định hướng hoạt động KH&CN giai đoạn 2026-2030. Trong 8 tháng năm 2024, 12/21 huyện đã tổ chức họp Hội đồng KH&CN xét sáng kiến kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và giáo dục đào tạo.
Huyện Hưng Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá 8 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU
Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN được đẩy mạnh qua tuyên truyền, tập huấn và ban hành văn bản. Công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa và sở hữu trí tuệ có nhiều đổi mới và sáng tạo, ngày càng đi vào nề nếp góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và tiêu dùng. Tuy vậy, qua hoạt động thanh tra cho thấy vẫn còn 15,3% cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 5,8 tỷ đồng.
Các huyện tổ chức 22 đợt tuyên truyền về công nghệ sinh học và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc quản lý đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm được phối hợp chặt chẽ với Sở KH&CN, không có tranh chấp về sử dụng văn bằng sở hữu trí tuệ, thiết bị y tế vận hành đúng quy định. Một số huyện tập huấn về TC-ĐL-CL và sở hữu trí tuệ, kết hợp phát triển sản phẩm OCOP. Dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên cần tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra và tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định nhà nước.
Về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện: Theo ký kết giữa Sở với UBND các huyện thì trong năm 2024 có 31 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai, trong đó có 7 mô hình chuyển tiếp từ năm 2023 và 24 mô hình triển khai mới. Đến nay, đã có 19/24 mô hình mới được triển khai đạt 79,2% kế hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình đều phát huy hiệu quả cả mặt kinh tế và mặt khoa học khá rõ, điển hình như: Mô hình trồng thử nghiệm Dâu giống mới và nuôi tằm trong nhà lạnh tại huyện Đô Lương; Mô hình trồng nếp Cù Pháng trên địa bàn huyện Quỳ Châu phục vụ công tác bảo tồn giống; Mô hình trồng thử nghiệm một số giống Na mới (Na dai Chi Lăng; Na Hoàng Hậu) tại huyện Anh Sơn, huyện Thanh Chương; Mô hình trồng cây Dổi lấy hạt trên địa bàn huyện Quỳ Châu, huyện Kỳ Sơn.
Các mô hình nhân rộng các kết quả nghiên cứu KH&CN hiện quả đã được khẳng định hoặc bước đầu thử nghiệm quy mô nhỏ các đối tượng sản xuất mới với yêu cầu khoa học không quá phức tạp trong thời gian vừa qua cũng đã được các huyện, thành, thị triển khai tốt đem lại hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị như: Mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm con Dúi bản địa trên địa bàn huyện Tương Dương; Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc bươu đen tại huyện Hưng Nguyên; Mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu Sả hoa hồng và cây Húng quế tại huyện Quỳ Hợp; Mô hình trồng cây khối tía tại huyện Tương Dương; Mô hình nuôi bò lai đực 3B tại huyện Anh Sơn; Mô hình lưu giữ nguồn gene Baba gai Sông Quảng tại huyện Quế Phong; Mô hình nhân giống lươn tại huyện Anh Sơn, huyện Đô Lương; Ứng dụng kỹ thuật nội soi trong phẫu thuật u tuyến giáp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Anh Sơn.
Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KHCN hỗ trợ, 8 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn các huyện, thành, thị đã xây dựng được trên 119 mô hình, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Tập trung chủ yếu giải quyết lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ. Nhiều mô hình có hiệu quả như: mô hình nuôi lợn quy mô công nghiệp của tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn với quy mô đầu tư khoảng 350 tỷ đồng; Mô hình trồng nho các loại, dưa lưới tại các huyện Đô Lương gần 10 tỷ đồng, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa; Mô hình nuôi tôm tuần hoàn theo nhiều giai đoạn tại huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, …
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; quản lý điều hành tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, bệnh viện cũng được đẩy mạnh và một số kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh tại các trung tâm y tế; bệnh viên tuyến huyện ứng dụng đạt hiệu quả cao.
Mô hình nuôi lợn quy mô công nghiệp tại huyện Anh Sơn
Các huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức 403 lớp tập huấn, thu hút hàng nghìn người dân. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, và thủ công mỹ nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp. Các hoạt động truyền thông về KH&CN qua Đặc san KH&CN, Website KH&CN và qua phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện được đẩy mạnh. Các huyện nâng cấp đường truyền băng thông rộng và đào tạo tin học nâng cao cho cán bộ KH&CN, cải thiện quản lý và hoạt động KH&CN ở vùng sâu, vùng xa. Những nỗ lực này đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, nâng cao nhận thức và ứng dụng KH&CN trong cộng đồng.
Những kết quả đạt được trong công tác quản lý và triển khai hoạt động KH&CN tại các huyện trong năm 2024 đã minh chứng cho vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ việc nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức các hội thảo khoa học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đến việc triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, các huyện đã tạo ra bước tiến rõ rệt, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả và khắc phục những tồn tại, các huyện cần nỗ lực hơn nữa trong việc hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm lan tỏa rộng rãi những tiến bộ KH&CN để KH&CN thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển bền vững và đưa các hoạt động KH&CN cấp huyện tiến xa hơn trong hành trình đổi mới và hội nhập./.
|