23/08/2024
Phát triển sinh kế số vùng dân tộc thiểu số
Vừa mới xuất hiện nhưng sinh kế số đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế xã hội của người dân tộc thiểu số vùng miền núi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cao, sinh kế số còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề văn hóa xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Từ quá trình vận dụng ban đầu mang tính cá nhân của một số người thông qua việc bán hàng để mở rộng sinh kế đến việc các doanh nghiệp không ngừng ứng dụng nền tảng công nghệ số để phát triển sản xuất kinh doanh. Sinh kế số vì vậy mà không chỉ tạo điều kiện để nhiều người tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng với những nguồn lực mà mình có thể đến việc phát huy được những tiềm năng từ văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế thị trường, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng đây là một loại hình sinh kế mới nên cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Vậy nên cần có nhận thức và định hướng phát triển kinh tế số một cách phù hợp.
(Ảnh sưu tầm)
Từ mưu sinh online
Vân là một cô gái Thái đến từ huyện Tương Dương. Năm 2012, Vân bắt đầu học tại Đại học Vinh ngành Giáo dục mầm non. Bốn năm đại học, trong khi bạn bè còn lo bữa thiếu, bữa no thì Vân đã biết cách kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Sau một thời gian ban đầu bỡ ngỡ, Vân nhận thấy ở Vinh có rất nhiều người muốn mua các đặc sản sạch từ miền núi. Từ các loại gạo nương, các loại rau sạch, rồi hoa quả, dược liệu… Vân bắt đầu tạo lập một đầu mối để cung cấp các loại sản phẩm này bằng cách bán hàng online. “Ở quê, mẹ em bán hàng tạp hóa nên có điều kiện gom các loại hàng hóa theo đơn của khách hàng. Sau đó gửi theo xe khách xuống cho em. Em chỉ việc nhận hàng và đi giao cho khách. Sau này nhiều đơn hàng thì em còn thuê thêm người đi giao”, Vân chia sẻ. Không chỉ bán các mặt hàng đặc sản miền núi cho khách hàng dưới Vinh, Vân còn qua các kênh khác để mua hàng mỹ phẩm, quần áo thời trang về bán lại cho chị em phụ nữ ở trên quê. Cứ như vậy mà Vân có tiền để đi học, còn mua được xe máy và sắm sửa nhiều thứ cho bản thân. Khi ra trường, các bạn đều mang hồ sơ đi xin việc nhưng Vân thì về thị trấn mở một shop quần áo và bán hàng online hai chiều. Trang facebook của Vân đã chạm ngưỡng 5000 bạn và các bài viết của Vân đều được nhiều người chú ý. Nên các sản phẩm đưa lên thường đắt hàng hơn vì được tương tác nhiều và thông tin đến nhiều đối tượng khác nhau. Hiện tại, Vân đã mua được nhà cửa, giúp bố mẹ sửa sang nhà cửa và nuôi các em ăn học.
Cũng như Vân, Hương là một cô gái Thái đến từ Quế Phong. Là một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc nhưng thu nhập chính của Hương lại đến từ việc bán hàng online. Hương lập trang facebook riêng và cả trang youtube để quảng bá sản phẩm và cả những bài hát do mình biểu diễn. Các sản phẩm mà Hương đăng bán là các loại rượu của người Thái quê cô, các đặc sản và sâm Ngọc Linh. Nhờ có số lượng bạn bè đông đảo nên việc bán hàng online của Hương cũng gặp nhiều thuận lợi. Nó tạo ra một nguồn thu nhập khá lớn để Hương nuôi con nhỏ và giúp đỡ gia đình bố mẹ.
Hay như bà Hoàng, một phụ nữ người Thổ ở Quỳ Hợp. Là một thầy lang trước đây chủ yếu bốc thuốc cho bà con trong bản. Từ khi mạng internet phổ biến, bà được con gái và cháu quảng bá các bài thuốc lên các trang mạng. Rồi nhiều người sử dụng và đạt hiệu quả tốt thì tiếng lành đồn xa. Càng ngày càng có nhiều người đặt thuốc của bà để chữa các bệnh mãn tính từ gan, thận, dạ dày, xương khớp… Công việc ngày càng phổ biến trên nền tảng mạng xã hội giúp bà Hoàng tăng thêm thu nhập. Từ chỗ một mình đi lấy cây thuốc, giờ bà phải thuê con cháu và người quen đi lấy thuốc về, bà chế biến và phân chia thành các thang thuốc theo các bài thuốc cổ truyền rồi gửi cho khách hàng. Công việc này tạo cho bà có thu nhập khá cao, mua được xe ô tô và sửa sang nhà cửa to đẹp hơn, ngoài ra còn giúp cho một số người thân quen có thêm việc làm và thu nhập. Ông Chớ, một người Mông ngoài 70 tuổi ở Tương Dương, cũng là một trường hợp khá đặc biệt trong việc vận dụng mạng lưới xã hội để phát triển kinh tế. Là một thợ rèn lâu năm có nhiều kinh nghiệm quý báu trong nghề rèn truyền thống nổi tiếng của người Mông, nhưng bao năm nay ông Chớ cũng chỉ sản xuất công cụ phục vụ cho bà con trong bản và một vài bản khác là chính. Rồi khi cháu ông đi làm công nhân xa về đã đưa một số sản phẩm rèn của ông lên mạng xã hội facebook, sau đó đã được nhiều người đặt mua. Cứ như vậy, nhiều người đã lên đến tận nhà đặt hàng chục con dao do ông rèn mang về xuôi để bán. Số lượng ngày càng tăng nên nghề rèn của ông cũng hồi sinh lại và phát triển mạnh hơn. Mỗi tháng mang lại cho ông một khoản thu nhập đủ để hai vợ chồng sinh sống mà không cần phải dựa vào con cái.
Hiện tại, có hàng trăm, hàng ngàn người ở vùng dân tộc thiểu số đang tham gia bán hàng online. Vấn đề này mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều người bởi qua các hoạt động buôn bán hàng on- line, những người này không chỉ giúp họ mưu sinh mà còn giúp cho nhiều người khác có thêm thu nhập. Bởi qua họ, các dòng chảy hàng hóa được mở rộng, nhiều mặt hàng có điều kiện thuận lợi để đi ra thị trường rộng lớn hơn, nhiều người được tiếp cận các hàng hóa chất lượng hơn và giá cả hợp lý hơn.
Đến phát triển trên nền tảng số
Trên phương diện cá nhân, việc bán hàng online đang ngày càng phổ biến ở thành thị và cũng không ngừng mở rộng ra khu vực nông thôn, cả vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Trên phương diện doanh nghiệp, công nghệ số và mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng trong việc kinh doanh, phân phối sản phẩm. Các doanh nghiệp đang quan tâm phát triển các kênh thương mại của mình dựa trên nền tảng công nghệ số. Và càng ngày, doanh thu từ việc bán hàng trên nền tảng số đang ngày một tăng lên.
Trước hết, các doanh nghiệp tăng cường việc quảng bá sản phẩm của mình trên các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử nhằm lan tỏa thương hiệu của mình ra rộng rãi hơn. Ưu điểm của việc quảng bá thương hiệu trên nền tảng số là lan truyền nhanh, tương tác rộng và dễ chia sẻ. Chỉ cần một bản tin, một bài viết đưa lên internet thì có thể lan truyền qua nhiều kênh thông tin từ tập thể đến cá nhân, nhất là các cá nhân trong doanh nghiệp cũng như đối tác liên quan có thể chia sẻ trên các mạng xã hội của riêng mình, qua đó tạo ra tương tác rộng lớn và sự lan tỏa được nhân lên theo cấp số khác nhau. Không những vậy, việc tạo ra kết nối, tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng cũng được thực hiện một cách nhanh chóng hơn và trực diện hơn.
Thứ hai, các doanh nghiệp không ngừng mở rộng việc hợp tác kinh doanh với các sàn thương mại điện tử, các trang web chuyên bán hàng online để mở rộng thị trường. Những sản phẩm đặc sản nổi tiếng đều có thể tìm thấy trên các sàn thương mại điện tử hay các website bán hàng phổ biến. Qua đó, các thông tin về sản phẩm, giá cả được rõ ràng và khách hàng có thể lựa chọn thoải mái.
Thứ ba, các doanh nghiệp có tiềm lực không ngừng phát triển website riêng của mình để phục vụ việc quảng bá, bán hàng và trao đổi với các đối tác, các khách hàng qua kênh riêng của mình. Việc thành lập một website hiện tại rất đơn giản và giá thành cũng rẻ. Quan trọng là phải quản trị được trang web để phát triển các công việc kinh doanh theo hướng dựa trên nền tảng số. Các bài vở phải được sản xuất thường xuyên, không chỉ yêu cầu độ nhanh nhạy, chính xác mà còn phải có hình ảnh bắt mắt và dễ dàng trong khâu liên hệ, tương tác, dễ chia sẻ qua các nền tảng mạng xã hội.
Xu hướng bán hàng online ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại (Ảnh sưu tầm)
Ở mức độ cao hơn nữa, các doanh nghiệp đang phát triển các dây chuyền sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Đó là những dây chuyền công nghệ tự động hiện đại, được điều chỉnh bằng hệ thống tự động hóa, vừa tiết kiệm nhân lực, vừa đảm bảo độ chính xác từ các thông số, vừa có sản lượng lớn và năng suất cao. Ví dụ như việc sấy trà hoa vàng, một đặc sản nổi tiếng của người Thái vùng Quế Phong thì việc sử dụng công nghệ sấy tự động bằng máy móc hiện đại đạt hiệu quả cao gấp nhiều lần so với sấy thủ công trước đây. Và các doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các dây chuyển sản xuất dựa trên nền tảng số. Hạn chế của hướng này là cần có vốn đầu tư lớn, nhân lực có trình độ để vận hành và nó cũng đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn. Vậy nên các doanh nghiệp nhỏ với nguồn vốn hạn hẹp sẽ gặp khó trong quá trình đầu tư phát triển bằng công nghệ hiện đại.
Sinh kế số
Trên đây là những trường hợp cụ thể liên quan đến sinh kế số ở vùng dân tộc thiểu số. Sinh kế số là thuật ngữ mới xuất hiện nhưng đang ngày càng phổ biến. Nó chỉ về loại hình sinh kế được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, bao gồm cả một quá trình về giới thiệu sản phẩm, thực hiện tương tác, tiến hành giao dịch, thanh toán hợp đồng và phản hồi về sản phẩm… Tất cả các bước đó đều được thực hiện thông qua các mạng xã hội dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Xuất hiện từ khá lâu nhưng từ sau Covid-19 thì sinh kế số càng có vai trò quan trọng. Nó đang lan rộng ra vùng dân tộc thiểu số ở miền núi, là vùng có thừa không gian để trao đổi sản phẩm nhưng lại ít thông tin và ít tương tác giữa các bên liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Với các mạng xã hội và nền tảng công nghệ số thì các thông tin hàng hóa và giao dịch liên quan được thực hiện một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất. Sự đầu tư vào sinh kế số cũng thấp hơn nhiều so với đầu tư ở các lĩnh vực khác. Vậy nên, nó đang được nhiều người vùng dân tộc thiểu số tiếp cận để phát triển, trong đó những người trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao vì sự năng động và chủ động trong tiếp cận mạng xã hội và công nghệ số.
Mạng internet xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số Nghệ An trong khoảng hơn một thập kỷ gần đây, tùy vào điều kiện địa phương, nhưng đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh kế tộc người. Sinh kế truyền thống của người dân vùng dân tộc thiểu số chủ yếu là canh tác nương rẫy, canh tác ruộng bậc thang, chăn nuôi trâu bò, lợn gà hay khai thác các lâm thổ sản… và các hoạt động thủ công nghiệp hay trao đổi hàng hóa. Những sinh kế này dựa trên nền tảng quan hệ xã hội trực tiếp trong không gian làng bản, xã, vùng nhỏ hẹp và tương tác trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, từ khi in- ternet xuất hiện và sự phổ biến của các mạng xã hội thì xuất hiện thêm lĩnh vực sinh kế số. Sinh kế số không phải là một loại hình kinh tế khác, mà là sự thay đổi phương diện tiếp cận trong các sinh kế. Cũng trao đổi, buôn bán các loại hàng hóa nhưng sinh kế số khác với các sinh kế truyền thống khi phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số. Sinh kế số phát triển làm giảm sự ảnh hưởng của điều kiện địa lý khi nó giảm bớt khoảng cách không gian, giúp cho các hoạt động được tiến hành một cách nhanh chóng và thuận lợi. Sinh kế số đang thu hút được nhiều bạn trẻ quan tâm và tham gia bởi nó gắn với việc tiếp cận và tiếp nhận công nghệ hiện đại. Những người lớn tuổi vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nên việc tham gia hoạt động sinh kế số còn hạn chế, chủ yếu phải thông qua những người trẻ là con, cháu họ. Nghĩa là họ không tiếp cận được hoặc tiếp cận thụ động và gián tiếp thông qua người khác hỗ trợ. Còn những người trẻ tuổi thì khác hơn, họ chủ động trong tiếp cận và vận dụng các mạng xã hội nhờ công nghệ hiện đại để phát triển kinh tế. Nên hiện tại, việc phát triển sinh kế vùng dân tộc thiểu số chủ yếu do những người trẻ tuổi thực hiện. Dù mới xuất hiện và chưa quá phổ biến rộng rãi nhưng sinh kế số đang dần khẳng định vai trò của nó đối với đời sống đồng bào. Trong tương lai, đây sẽ hứa hẹn là lĩnh vực có nhiều đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số.
Thúc đẩy phát triển sinh kế số vùng dân tộc thiểu số
Nhân tố đầu tiên để phát triển sinh kế số chính là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số là động lực và cũng là cơ sở nền tảng để phát triển kinh tế số. Nếu không có hạ tầng công nghệ thông tin thì chắc chắn không phát triển sinh kế số được bởi nó thiếu đi cơ sở nền tảng cho các hoạt động kinh tế diễn ra. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển giúp cho người dân tiếp cận và sử dụng mạng xã hội một cách thuận tiện để tiến hành các hoạt động kinh tế, qua đó đẩy mạnh phát triển sinh kế số. Nhưng ở vùng dân tộc thiểu số, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Vậy nên, với nhiều cộng đồng, dù muốn cũng khó để phát triển các sinh kế số. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phát triển hạ tầng công nghệ thông tin vùng dân tộc thiểu số để hỗ trợ cho người dân phát triển sinh kế số thuận lợi hơn.
Thứ hai là nhân tố cơ sở vật chất hạ tầng, mà quan trọng nhất là giao thông vận chuyển và đi lại. Dù công nghệ thông tin có phát triển mà giao thông vận chuyển đi lại không thuận lợi thì cũng khó mà phát triển sinh kế số được. Bởi sau khi thực hiện tương tác và giao dịch thì cần phải vận chuyển hàng hóa giao cho khách hàng. Vậy nên giao thông là nhân tố quan trọng. Giao thông phát triển thì các hàng hóa ở miền núi mới có thể đưa xuống miền xuôi một cách nhanh chóng được. Đặc biệt, một số mặt hàng tươi như thực phẩm tươi sống thì cần phải vận chuyển nhanh chóng nên cần có hệ thống giao thông vận tải phát triển. Đây chính là điều kiện quan trọng để thực hiện các giao dịch sau khi đạt được thỏa thuận trên mạng xã hội. Chị Vân, bà Hoàng, chị Hương hay chị Mỹ đều gửi hàng qua hệ thống xe khách và xe vận tải hàng hóa sau khi khách hàng chốt đơn. Đây là điều mà trước kia không thể thực hiện dễ dàng khi giao thông đi lại giữa đồng bằng và miền núi còn hạn chế.
Nhân tố cuối cùng đương nhiên là con người, là trải nghiệm thị trường, là năng lực vận dụng và sử dụng trang thiết bị công nghệ để tham gia các mạng xã hội. Hai nhân tố trên là điều kiện cần thì con người là điều kiện đủ. Bởi con người là chủ thể của sinh kế số. Những người tham gia vào sinh kế số chủ yếu là người có trình độ năng lực sử dụng các trang thiết bị công nghệ, thường được đi ra ngoài, tiếp xúc nhiều hơn và có những trải nghiệm thị trường trong các lĩnh vực kinh tế. Những yếu tố này giúp cho họ chủ động hơn trong phát triển sinh kế số. Vậy nên, để đẩy mạnh phát triển sinh kế số trong giai đoạn tới, cũng cần có những chương trình tập huấn để giúp người dân phát triển các kỹ năng tiếp cận và vận dụng công nghệ số vào các hoạt động, trong đó có sinh kế số. Điều này không chỉ giúp đồng bào có thêm thu nhập mà còn tạo ra sự chủ động trong quá trình phát triển, hạn chế bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực cũng như góp phần ổn định kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số./.
Trang Tuệ
Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 2.2024
|