Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân liên quan đến nội dung bài viết về cuộc cách mạng chuyển đổi số của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông có niềm tin rằng, từ chỉ đạo của Tổng Bí thư và thực tiễn đất nước hiện nay, thông điệp này sẽ được lan tỏa, thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên cuộc cách mạng trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực của lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới của đất nước.
|
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo. |
Động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số
Phóng viên: Trong bài viết “Chuyển đổi số-Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông cảm nhận thế nào về ý nghĩa và tầm quan trọng của bài viết đối với quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Trong Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khái niệm chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số lần đầu tiên được đề cập và nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển cũng như các đột phá chiến lược.
Chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã thực hiện những công trình nghiên cứu để tìm ra mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong kỷ nguyên tiếp theo và nhận thấy phải dựa trên trụ cột của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển khởi nghiệp và đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Giai đoạn 2020-2022, nền kinh tế bị tác động rất mạnh của đại dịch Covid-19, càng khẳng định giá trị của kinh tế truyền thống và phương thức sản xuất trước đây không còn phù hợp với tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trong một thế giới ngày càng bất ổn.
Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, chúng ta thường dùng khái niệm "cỗ xe tam mã" thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gồm các động lực đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.
Cá nhân tôi cho rằng, đó là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn, có tính chất thời điểm vì sau dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của người dân bật lên sau thời gian bị nén lại, khiến tiêu dùng nội địa phát huy tác dụng. Nhưng khi việc mua sắm và nền kinh tế đã bão hòa, tiêu dùng nội địa không còn là cỗ xe kéo cho nền kinh tế.
Đầu tư công được kỳ vọng là yếu tố mang tính chủ động của Chính phủ, tạo vốn mồi để lan tỏa, kéo theo đầu tư của các thành phần khác. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều rào cản khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, chưa trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lại phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như vậy có thể thấy rằng, ba yếu tố từ trước đến nay chúng ta vẫn coi là động lực tạo ra tăng trưởng của nền kinh tế không còn phù hợp trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, tôi rất tâm đắc với bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Trong bài viết, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển.
Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.
Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế tăng trưởng dựa trên động lực gì, nếu chúng ta cứ loay hoay mãi trong ba động lực nói trên thì không bao giờ tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế.
Bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất quan trọng. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người lãnh đạo tối cao, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số.
Tôi rất phấn khởi và có niềm tin rằng, từ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và thực tiễn đất nước hiện nay, thông điệp này sẽ được lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc, hình thành cuộc cách mạng trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực của lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Bởi vì một khi đã được làm rõ về mặt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo thì cơ chế, chính sách sẽ được ban hành, tạo ra sức bật cho nền kinh tế thay vì trước đây, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ chỉ được nhìn nhận với tính chất cục bộ theo ngành, chưa có tính hệ thống.
Doanh nghiệp là người truyền dẫn động lực chuyển đổi số
Phóng viên: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt tạo động lực cho nền kinh tế. Vậy cần có cơ chế, chính sách, giải pháp gì để giải phóng lực lượng sản xuất này, thưa ông?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Khi đã xác định rõ vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, chuyển đổi số là chìa khoá tạo ra động lực tăng trưởng thì cần tìm cơ chế để các động lực này truyền dẫn, tác động vào nền kinh tế.
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu nhiều công trình về vai trò truyền dẫn của doanh nghiệp. Thông qua hoạt động nghiên cứu và phát triển cũng như quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ biến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thành giá trị kinh tế thực.
Do đó, muốn phát huy tối đa vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cần tháo gỡ những rào cản đang cản trở doanh nghiệp khi tiếp cận những động lực tăng trưởng mới này.
Từ trước đến nay chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo và đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng cơ bản mới chỉ là chủ trương, thậm chí là phong trào vì chưa có chính sách hữu hiệu, cụ thể để doanh nghiệp thấy rằng người kiến tạo cuộc chơi đã ủng hộ họ.
Phóng viên: Theo Giáo sư, đâu là những vấn đề có tính chất then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Theo tôi, có ba vấn đề có tính chất then chốt tạo nên cuộc cách mạng trong chuyển đổi số để nâng cao năng lực của lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Một là, phải tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho những doanh nghiệp tiên phong tham gia đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có được sự bảo vệ cần thiết. Mục đích là để khi họ thất bại, bất kể do mô hình kinh tế mới, sản phẩm, dịch vụ mới không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của nền kinh tế, dẫn đến phá sản thì đó được coi là chuyện rất bình thường, là thất bại của thị trường.
Đừng để doanh nghiệp rút lui khỏi cuộc chơi hoặc nản chí, bỏ cuộc vì chưa có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách không ủng hộ những sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới.
Phải làm sao để hệ thống pháp lý đồng bộ với sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nếu cơ chế, chính sách đi sau sẽ kéo lùi quá trình chuyển đổi số, ứng dụng đổi mới sáng tạo và người hy sinh không ai khác chính là những doanh nghiệp tiên phong.
Hai là, nguồn lực xã hội cũng phải đầu tư tương xứng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trong thực tế, vốn cung cấp cho nền kinh tế được phân phối chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách để các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ba là, để bảo đảm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, cần chuẩn bị trước cho các kịch bản xấu. Chúng ta đã từng có những cuộc khủng hoảng thừa và thiếu của nền kinh tế thực, kinh tế hàng hóa, đã từng có khủng hoảng tài chính, ngân hàng thì khi kinh tế số phát triển cũng phải lường trước những khuyết tật của mô hình kinh tế mới này và những khủng hoảng do tấn công mạng, thao túng dữ liệu... Có như vậy mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững của kinh tế số và tạo ra động lực lâu dài.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì cho việc tìm nguồn lực lớn cho đổi mới sáng tạo?
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Vấn đề này thực hiện không đơn giản vì bản thân các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, cho nên họ ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án, lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhanh như chứng khoán, bất động sản.
Chúng ta đã có thời điểm cả xã hội tập trung kinh doanh bất động sản. Ngay cả những bạn trẻ mới ra trường cũng không thực hiện đam mê của mình, phần vì không có vốn, phần vì kinh doanh bất động sản thường có lãi và giàu nhanh.
Và như vậy, từ nguồn lực con người đến nguồn vốn đều đổ dồn vào bất động sản, giống như nền kinh tế bị bất động sản lấy làm con tin. Bất động sản có tăng trưởng thì có tăng trưởng tín dụng, có tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Tình trạng này kéo dài thì bao giờ mới phát triển được các lĩnh vực khác?
Trong khi đó, quá trình phát triển khoa học công nghệ giống như trồng cây lâu năm, không thể có thành quả trong thời gian ngắn nên rất khó tiếp cận vốn. Bằng chứng là Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút rất nhiều bạn trẻ có đam mê, có nhiệt huyết, có ý tưởng.
Họ tập trung nghiên cứu, đưa ra rất nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới, trải qua giai đoạn ươm tạo, hình thành sản phẩm cụ thể nhưng không gọi vốn được và các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới cũng chết trong trứng nước. Lý do vì rủi ro cao, ngân hàng không cho vay, còn vốn qua các quỹ đầu tư mạo hiểm không phải ai cũng tiếp cận được.
Đó là ví dụ rất sinh động để thấy rằng cần ưu tiên nguồn lực cho khoa học công nghệ, cho đổi mới sáng tạo. Nếu coi đó là quốc sách thì một trong những giải pháp cần làm ngay là giảm đầu tư đầu cơ vào bất động sản.
Để thúc đẩy khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, rất cần bàn tay hữu hình của Nhà nước, nếu không, chủ trương này sẽ tiếp tục có những hạn chế khi triển khai vào cuộc sống và mang tính chất phong trào nhiều hơn là hiệu quả thực thi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!