image banner
Thông báo
image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế tập thể như: Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị quyết số 20-NQ/TW...  Nhờ đó, kinh tế tập thể đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhất là kinh tế nông nghiệp, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Nghệ An là tỉnh thuần nông, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) ở vùng nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy, việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất đã góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra.

1. Thực trạng phát triển HTX NN gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An
1.1. Về phát triển HTX NN
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 688 HTX NN, tăng 126 HTX so với năm 2019; trong đó, số hoạt động hiệu quả là 420 HTX, chiếm 61,3%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước 51,5%). Lợi nhuận bình quân của các HTX NN đạt khoảng 178,78 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân của HTX NN đạt khoảng 1.433,71 triệu đồng/năm. Số lượng cán bộ quản lý HTX NN là 2.975 người, trong đó số cán bộ đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 1.098 người, chiếm 36,90%. Các HTX NN đã tạo việc làm ổn định cho hơn 3.850 lao động thường xuyên với thu nhập trung bình 42 triệu đồng/lao động/năm.
Các HTX NN đã phát huy vai trò quan trọng trong các hoạt động: dịch vụ thủy nông, cung ứng vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, tín dụng nội bộ, dịch vụ môi trường... giúp bà con nông dân giảm được 5-10% chi phí. Đến nay, có 215 HTX NN hoạt động dịch vụ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên; đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, có cách làm sáng tạo, đặc biệt là các HTX khởi nghiệp của cán bộ trẻ đã gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân theo chuỗi giá trị như: Hợp tác xã Dược liệu Pù Mát huyện Con Cuông...
Về ứng dụng khoa học và công nghệ, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 45 HTX NN áp dụng công nghệ cao (CNC) trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, với khoảng trên 120ha.  
Thời gian qua, Trung ương và tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách đất đai; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ thành lập mới HTX… Các cơ chế chính sách nêu trên đã tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ các HTX NN phát triển, làm tốt dịch vụ sản xuất kinh doanh, thể hiện tốt vai trò cầu nối quan trọng trong hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.
1.2. Về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là giải pháp giúp người nông dân có thể chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp ổn định nguyên liệu. Nghệ An đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, quy mô lớn, điển hình như mía đường, chè, sắn, dứa, lâm nghiệp… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết trên địa bàn tỉnh đến năm 2023 ước đạt 26,21%. 
Về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đến nay đã có 36 dự án/kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được phê duyệt hỗ trợ trên địa bàn 11 huyện, thị xã, với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2019 đến 2025 là gần 65 tỷ đồng. Tổng số hộ dân tham gia liên kết gần 14.000 hộ, tổng quy mô gần 3.900ha, các sản phẩm liên kết bao gồm: lúa giống, lúa thương phẩm; chè; ngô; ớt cay; chanh, sen, cà gai leo…; gỗ rừng trồng; chăn nuôi gà, lợn và rau, củ, quả an toàn. Có 38 HTX và 20 doanh nghiệp tham gia liên kết.
1.3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Những kết quả và thành tích đã đạt được ngày càng khẳng định vị thế của HTX NN trên địa bàn tỉnh và vai trò của HTX NN gắn với liên kết sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên so với yêu cầu phát triển thì các HTX NN ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế, đó là:
- Việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chiều ngang giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân với nhau và hợp tác, liên kết theo chiều dọc giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân còn hạn chế, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu.
- Hoạt động của phần đông các HTX NN còn thụ động, chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các HTX còn thấp. Bộ máy quản lý HTX NN còn nhiều bất cập, thiếu năng động, yếu về năng lực quản lý. Việc phát triển HTX còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền, đến nay cả tỉnh vẫn còn 57 xã chưa có HTX NN, chủ yếu là các xã miền núi.
- Tỷ lệ đóng góp của thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nói chung và khu vực HTX NN nói riêng trong tổng mức thu nhập bình quân chung của người dân còn thấp.
- Phần lớn các HTX NN không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; không có đất thuê lâu dài, điều đó đồng nghĩa với việc các HTX chưa thể yên tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô.
- Các chính sách hỗ trợ HTX NN được ban hành nhiều nhưng việc đưa chính sách đi vào cuộc sống vẫn còn hạn chế, một số chính sách có tỷ lệ thực hiện nhỏ như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng cho HTX NN, hỗ trợ đất đai, tín dụng...
Nguyên nhân của những tồn tại đó là:
- Nhận thức về kinh tế tập thể của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đúng, đủ và thống nhất. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển; công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác từ tỉnh đến huyện, xã còn một số bất cập.
- Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều; chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các bên tham gia.
- Xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn chú trọng vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Quá trình tập trung, tích tụ đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất hàng hoá quy mô lớn còn khó khăn, bất cập; chưa có các quy định cụ thể và thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ.
- Việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng còn gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến một số HTX nông nghiệp không có mặt bằng để xây dựng trụ sở và các công trình kho, bãi sản xuất; kho sấy, bảo quản nông sản...
- Khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác từ Trung ương đến địa phương ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lực để thực hiện; 
- Việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể nhiều nơi chưa kịp thời, nặng về hình thức, chưa chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các nhân tố mới. 
Cánh đồng rau hàng hóa của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh tại xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên (Ảnh sưu tầm)
2. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển HTX NN gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030
2.1. Nhiệm vụ
Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới và phát triển HTX NN, nông thôn cả về hình thức tổ chức, quản lý và hoạt động, phù hợp với từng loại hình kinh tế, từng lĩnh vực, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát triển các mô hình HTX kiểu mới, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, quản lý công nghệ để tăng cường năng lực cạnh tranh và sáng tạo cho các HTX NN. Tăng cường thực hiện chương trình đưa lao động trẻ có trình độ cao về làm việc tại các HTX NN. Tổ chức triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX NN.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các HTX NN; tạo điều kiện để các HTX tham gia các chương trình, đề án, dự án, mô hình khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, liên kết chuỗi giá trị, thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, tiếp cận thị trường.
- Tập trung nguồn lực triển khai các đề án, dự án, kế hoạch ưu tiên đã được Trung ương và địa phương ban hành, đồng thời nghiên cứu xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng sản phẩm nông nghiệp; phát triển hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm nông nghiệp.
- Khuyến khích phát triển các HTX NN có nhiều thành viên tham gia; khuyến khích liên kết giữa các HTX hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; tăng cường các giải pháp liên kết giữa HTX NN với doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường.
2.2. Giải pháp
Để tiếp tục đổi mới, phát triển HTX NN gắn với liên kết sản xuất một cách hiệu quả, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024-2030, cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
- Thứ nhất, giải pháp về thông tin, tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để thống nhất và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX NN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế hợp tác là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong HTX NN.
- Thứ hai, giải pháp về phát triển nguồn nhân lực: Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng điều hành, tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực thị trường, tiếp cận tín dụng, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ HTX NN, đào tạo nghề Giám đốc HTX. Triển khai có hiệu quả chính sách đưa lao động trẻ có trình độ cao về làm việc tại các HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số: Các HTX NN cần được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, có ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên phát triển các HTX NN ứng dụng công nghệ cao, tạo thuận lợi cho HTX tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng... Đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN, gắn với thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp nông thôn để tạo lập và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. Các sở, ngành có liên quan tư vấn, hỗ trợ HTX NN ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để xây dựng, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao qua mô hình HTX kiểu mới.
- Thứ tư, giải pháp về cơ chế, chính sách: Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh như: Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP  ngày 14/4/2018; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018; Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/02/2021… và các chính sách khác có liên quan; Đồng thời rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển HTX NN.
Hội thảo Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển HTX NN gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An (12/2023) (Ảnh sưu tầm)
- Thứ năm, giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng, logistics: Quan tâm, hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường giao thông, các hệ thống hạ tầng từ đường bộ đến đường biển, hàng không… nhằm đảm bảo vận chuyển nông sản thuận lợi, an toàn, tiết kiệm cả thời gian, chi phí. Hỗ trợ hoặc tạo điều kiện thuận lợi để các HTX NN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics như kho bãi lưu trữ, bảo quản nông sản, các phương tiện vận chuyển…
- Thứ sáu, giải pháp tổ chức sản xuất: Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các hộ nông dân thông qua HTX NN. Tiếp tục thành lập và phát triển các HTX NN có liên kết với các doanh nghiệp; tập trung ưu tiên việc thành lập mới các HTX ở các địa bàn miền núi, đặc biệt khó khăn, các xã chưa có hợp tác xã. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia là thành viên, sáng lập viên thành lập HTX. Hướng dẫn các HTX NN phát triển, mở rộng quy mô thành viên, đặc biệt là thành viên liên kết.
- Thứ bảy, giải pháp về sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm: Hỗ trợ các HTX NN đầu tư các công nghệ chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO…). Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xúc tiến thương mại; tìm kiếm thị trường, thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Hỗ trợ HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và tiến tới xuất khẩu. 
- Thứ tám, giải pháp về nâng cao, phát huy vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội: Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, ưu tiên hàng đầu là bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, nhận thức về quản lý và tư duy kinh tế, thương mại. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc trong việc thực hiện các hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các HTX, tổ hợp tác. Quan tâm chỉ đạo rà soát, nắm bắt, theo dõi thường xuyên tình hình hoạt động, đánh giá, phân loại chính xác kết quả hoạt động của các HTX để có các giải pháp chỉ đạo. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp trong phát triển kinh tế hợp tác.
3. Kiến nghị
Để có bước chuyển biến tích cực và đạt kết quả cao trong việc phát triển HTX NN gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2024-2030, chúng tôi có một số kiến nghị đề xuất như sau:
3.1. Đối với các Bộ, ngành Trung ương: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác, trong đó có HTX NN phát triển tương xứng với tiềm năng. Cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển KTTT và HTX đã được Trung ương ban hành.
3.2. Đối với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương:
- Tỉnh ủy: Chỉ đạo các cấp uỷ Đảng hàng năm đưa vào Nghị quyết thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể trong đó có HTX.
- UBND tỉnh: Ưu tiên cân đối, bố trí thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển HTX và liên kết sản xuất theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh và các chính sách có liên quan. Đồng thời trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX NN trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các sở, ngành, địa phương:
+ Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương.
+ Tăng cường kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên đầu tư xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất ổn định, bền vững, có số lượng nông dân tham gia liên kết lớn.
+ Rà soát điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn phù hợp với từng giai đoạn. Đặc biệt cần tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX NN trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó tập trung hỗ trợ một số nội dung: Hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm;  Chính sách về đất đai;  Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi để thu hút người lao động có chất lượng cao làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp; Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX NN hoạt động hiệu quả; Hỗ trợ HTX NN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Hỗ trợ HTX NN tiếp cận và nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại;  Hỗ trợ vốn, giống, khoa học và công nghệ khi HTX NN chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đối với các HTX NN: Cùng với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, HTX phải tự vận động và nâng cao năng lực của mình kể cả quản lý, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường,...
- Đối với các hộ nông dân tham gia vào các HTX NN, phải đồng sức đồng lòng với lãnh đạo HTX, tham gia tích cực vào các hoạt động của HTX, chung thủy trong quá trình liên kết để HTX đủ uy tín, sức mạnh để liên kết với các doanh nghiệp./.
 

Nguyễn Văn Lập và cộng sự

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TỈNH NGHỆ AN